Nguy cơ bệnh tim vì ngủ ít

Ngủ ít nguy cơ bệnh tim là khuyến cáo của các nhà khoa học, ngoài ra còn nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp, nội tiết… Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo cần cẩn trọng khi dùng các sản phẩm tăng tiết melatonin.

Ngủ ít hơn 5h bệnh tăng gấp 2 lần

Tại Hội nghị Tim mạch châu Âu, tổ chức tại Munich, Đức vào cuối tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học Thụy Điển đã công bố nghiên cứu khiến nhiều người cần chú ý hơn đến thời gian ngủ của mình.

Theo kết quả, những người đàn ông trung niên ngủ ít hơn 5h một đêm có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao gấp đôi so với những người ngủ từ 7 đến 8h.

Ở những người ngủ ít, các chứng bệnh cao huyết áp, tiểu đường, béo phì cũng phổ biến hơn là ở những người ngủ đủ giấc. Nghiên cứu được thực hiện với khoảng 800 người đàn ông sống ở Thụy Điển bắt đầu từ năm 1993, và theo dõi họ trong 21 năm.

Ngủ ít nguy cơ bệnh tim

Trao đổi về vấn đề này, BS Ngô Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 cho rằng, mất ngủ không phải là lý do trực tiếp dẫn đến bệnh tim mạch. Nhưng cũng là một tác nhân cần tránh nhằm nâng cao sức khỏe của mỗi người.

Bởi khi mất ngủ, cơ thể sẽ có một dây chuyển ảnh hưởng đến nhau. Trong đó, ảnh hưởng đến thần kinh, đến dinh dưỡng, nội tiết, tim mạch… Đây cũng là lý do, các bệnh lý khác cũng đồng thời xuất hiện bên cạnh tim mạch.

Còn BS Nguyễn Minh Tuấn, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, ngủ ít ở đây cần hiểu một cách đầy đủ. Ngủ ít là ngủ thời gian ngắn và giấc ngủ không sâu. Điều này khác với việc một người nằm ngủ trong nhiều giờ nhưng giấc ngủ chập chờn, mông lung, ngủ mà như chưa ngủ thì vẫn bị xem là ngủ ít, chất lượng giấc ngủ kém.

Ở người trung niên bắt đầu có sự suy giảm về thời gian ngủ dưới sự tác động của bệnh tật, nội tiết, thể trạng, tâm lý… Ở độ tuổi này, giấc ngủ sẽ giảm chất lượng và thời gian so với thanh niên. Vì thế, nếu ngủ được 6-7h được xem là lý tưởng. Nhưng ngủ 5-6h cũng coi như đủ.

Cẩn trọng sản phẩm tăng tiết melatonin

BS Nguyễn Minh Tuấn cũng phân tích, cơ thể chúng ta hoạt động dựa trên chu kỳ sinh học nhất định là ngủ vào buổi tối và thức dậy khi trời sáng. Chu kỳ này dựa vào nhiều yếu tố như sức khỏe, làm việc, nội tiết tố, nhiệt độ, thời tiết, bóng tối… Trong đó, hormone melatonin là yếu tố giúp đưa chúng ta đi vào giấc ngủ dễ dàng.

Melatonin được tiết ra từ tuyến tùng khi thời điểm là đêm xuống, dưới tác động của bóng tối não sẽ tiết ra chất này để chảy vào máu. Đây chính là thời điểm chúng ta có một giấc ngủ ngon, nhất là lúc 3 giờ sáng. Lượng melatonin sẽ giảm so với khi còn trẻ nên giấc ngủ ngon và sâu cũng sẽ giảm. Kèm theo đó, các triệu chứng của chính giai đoạn này khiến họ hay bị thức giấc và khó ngủ trở lại. Dựa vào yếu tố này, nên nhiều loại sản phẩm đã khai thác thành phần để cơ thể tăng tiết melatonin.

Tuy nhiên, dù là thành phần tự nhiên do cơ thể tiết ra nhưng melatonin có thể vẫn gây ra những tác dụng phụ nhất định. Đó là có thể gặp hiện tượng ngủ ngày thay vì ngủ đêm hay thay đổi tâm trạng như dễ gắt gỏng, khó chịu, buồn phiền và trầm cảm. Đối với người bị trầm cảm, không nên sử dụng sản phẩm có chứa melatonin.

Ngoài ra, thành phần hormone này còn có thể gây ra tình trạng ảo giác, hoang tưởng nhẹ, ngủ hay gặp ác mộng. Người bị bệnh huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cần theo dõi thường xuyên đối với tình trạng tăng cao hoặc hạ thấp một cách đột ngột các chỉ số trong giai đoạn dùng thành phần này. Khi có các dấu hiệu như co giật, buồn nôn, nôn, đau bụng hay tiêu chảy, ngứa do phát ban cần dừng sản phẩm và khám bác sĩ.

“Thuốc ngủ chỉ dùng để giải quyết vấn đề strees (căng thẳng thần kinh) của cuộc sống đô thị hay lo âu nghề nghiệp. Nó có tác dụng làm tăng tốc độ bài tiết chất melathonin. Cho nên khi bị mất ngủ tốt nhất nên hạn chế dùng các chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá…, các chất này làm giảm tốc độ bài tiết chất càng dễ làm bạn mất ngủ hơn”, BS Nguyễn Minh Tuấn.

Hà Trang

Theo Đời sống
back to top