Nguồn cung khó, thực phẩm dịp Tết có đủ?

(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng phi mã, mưa bão miền Trung làm nông nghiệp tổn thất nặng nề... khiến việc đảm bảo chất lượng cho thực phẩm dịp Tết năm nay trở nên khó lường.

Nguồn cung khó khăn

Từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã phải chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy không chỉ gây ra tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu, mà còn khiến nguồn cung các loại sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt.

Trong các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, người nông dân là tầng lớp bị ảnh hưởng lớn nhất. Việc cách ly xã hội khiến người dân thành phố - thị trường tiêu thụ chủ yếu của nông sản – đã chuyển đổi hình thức mua hàng từ chợ sang các siêu thị, trung tâm thương mại – nơi hàng hóa được kiểm định và đảm bảo chất lượng và có chính sách giao hàng tận nhà.

Với nền kinh tế manh mún, sản xuất nhỏ lẻ là chủ yếu thì những thay đổi thói quen người dùng này đã khiến nhiều hộ nông dân bị ảnh hưởng, lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoặc chuyển hướng sang hoạt động trong lĩnh vực khác. Đến nay, gói hỗ trợ 60.000 tỷ đồng của Chính phủ vẫn đang tiếp tục triển khai để hỗ trợ người nông dân vượt qua khó khăn.

Trong khi dịch bệnh Covid-19 đe dọa sản lượng nông sản năm nay không đáp ứng được mức chỉ tiêu tăng trưởng 2,9% như đã đề ra, thì diễn biến bất thường của thiên tai như lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục tàn phá ngành nông nghiệp nặng nề. Chỉ tính riêng hơn 1 tháng mưa lũ ở miền Trung đã khiến 43.000 con gia súc, hơn 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi… Thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp đều bị thiệt hại và cần biện pháp khôi phục; tổng thiệt hại kinh tế ước tính hơn 30.000 tỷ đồng.

Nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong năm 2020 còn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Thống kê trong năm 2020 đã phả tiêu hủy tới 86.000 con lợn vì dịch. Nguồn cung thịt lợn giảm mạnh khiến giá thịt lợn đã tăng phi mã đến mức Thủ tướng phải yêu cầu có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến sát Tết mức giá thịt lợn hơi vẫn ở mức trên 70.000đ/kg, cao so với trung bình nhiều năm.

Trong khi nguồn cung thực phẩm cả nước khó khăn, thì theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15 - 20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào các ngày 30 - 31/1/2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và là ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7/2/2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. Bên cạnh đó, hiện người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Do đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông lâm thủy sản chú ý yếu tố này.

Đảm bảo chất lượng hàng Tết

Nỗi lo về sự thiếu hàng hóa dịp Tết Tân Sửu 2021 càng được thể hiện rõ qua Chỉ thị 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là thịt heo và sản phẩm từ thịt heo trước, trong và sau Tết, tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá; có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021…

Thực tế hiện nay, một số nhà vườn tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, năm nay trái cây sẽ mất mùa. Còn tại các tỉnh miền Trung địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt vừa qua, người dân đang cố gắng khôi phục lại sản xuất để có hàng phục vụ Tết. Song song với đó, giá thịt lợn từ đầu năm đến nay vẫn đang bất ổn, lại càng đứng trước nguy cơ “nhảy múa” khi nhu cầu cho dịp tết tăng đột biến.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định. Khảo sát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên thị trường cho thấy hầu hết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG đã tích trữ các loại thực phẩm mang thương hiệu Hapro như gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói… Bên cạnh đó là các sản phẩm kinh doanh theo chương trình khai thác đặc sản vùng miền như Bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… Saigon Co.op cho biết cũng đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu trị giá lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.

Đặc biệt, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” nên tỷ trọng hàng Việt vẫn chiếm trên 90%. Riêng với nhóm sản phẩm nhãn hàng riêng mang thương hiệu của Masan như thịt MEATDeli, rau củ quả VinEco tiếp tục được cung cấp đầy đủ tới người tiêu dùng.

VinMart & VinMart+ cũng đảm bảo cung cấp các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng nhờ hệ thống 38 phòng và trạm kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn Thực phẩm và Chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, các sản phẩm trước khi lên kệ hàng của VinMart & VinMart+ đều phải trải qua khâu kiểm tra chất lượng, đáp ứng quy trình kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt từ hồ sơ chào hàng, minh bạch nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng và tuân thủ quy trình vận chuyển, bảo quản.

Được biết, VinMart & VinMart+ đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước Tết 4 tháng để lên số lượng dự phòng hàng hóa đầy đủ cho nhu cầu mua sắm tiêu dùng của khách hàng trên toàn quốc. Do đó, VinMart & VinMart+ đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hàng, đội giá trong hệ thống.

Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tươi sống - thế mạnh của siêu thị được ưu tiên số một, tiếp đến là các loại giỏ quà tặng, quà biếu độc đáo dịp Tết, đồ lễ cúng gia tiên truyền thống, trái cây, bánh mứt kẹo, các loại đặc sản Tết theo vùng miền… Ngoài ra, VinMart & VinMart+ cũng chủ động nhập khẩu một số loại hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết.

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top