Người tự khỏi Covid-19 không khai báo có được cấp “thẻ xanh”?

Việt Nam đã có khoảng 400.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên và con số này còn tiếp tục tăng. Vấn đề nhiều người đang quan tâm là nhóm người này có nên chích ngừa văcxin Covid-19 không? Nếu không chích có ảnh hưởng đến việc cấp “thẻ xanh Covid” hay không?
khoi-covid.jpg

Tỷ lệ tái nhiễm thấp

Cho đến hiện nay, theo số liệu trên thế giới thì có hơn 200 triệu người đã khỏi bệnh Covid-19 do nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên. Theo ghi nhận của Bộ Y tế thì Việt Nam đã có hơn 374.000 người thuộc nhóm này. Để trả lời câu hỏi về khả năng tái nhiễm cũng như có nên tiêm văcxin và sau bao lâu phải tiêm, cần có những nghiên cứu khoa học về tỷ lệ tái nhiễm, mức kháng thể bảo vệ tồn tại trong bao lâu.

Có một sự khác nhau rất lớn về phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể được chích văcxin và cơ thể bị nhiễm bởi virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên. Hầu hết các văcxin Covid-19 hiện nay chỉ nhắm đến một protein quan trọng là protein gai (protein S) có trên bề mặt của virus như văcxin của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson, Sputnik V hoặc sử dụng virus đã bị làm chết (bằng nhiệt hoặc chất hóa học) trong trường hợp văcxin của Sinopharm hoặc Sinovac, để dạy hệ miễn dịch hình dạng virus thật như thế nào.

Trong thực tế, khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thật, virus này sẽ xâm nhập vào tế bào vật chủ qua thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào, tạo ra nhiều loại protein trong suốt chu kỳ sống và sinh sản của chúng (không chỉ riêng protein S mà còn nhiều protein khác), tương tác với hàng loạt các con đường tín hiệu của tế bào và do đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ bị kích hoạt một cách toàn diện hơn và nhận biết virus SARS-CoV-2 một cách đầy đủ hơn. Do vậy, nhìn chung hệ miễn dịch được tạo ra từ người bị nhiễm virus một cách tự nhiên “mạnh” hơn nhiều so với hệ miễn dịch được tạo ra từ văcxin.

Tuy nhiên, nếu để có hệ miễn dịch mạnh hơn bằng lây nhiễm Covid-19 thì nguy cơ tử vong cao, nhất là những người lớn tuổi, người có bệnh nền… Do vậy, văcxin vẫn là giải pháp quan trọng và ưu tiên hàng đầu để phòng tránh lây nhiễm bệnh và ngăn nguy cơ trở nặng hoặc tử vong.

Một nghiên cứu thực hiện ở Lombardy (Ý) từ tháng 2 - 7/2020, trên khoảng 15 ngàn người đã nhiễm Covid-19 khỏi bệnh và chưa nhiễm (theo dõi cho đến hết ngày 28/2/2021). Kết quả cho thấy trong hơn 1.579 người đã bị nhiễm virus thì chỉ có 5 người bị tái nhiễm (tỷ lệ 0.31%), trong đó chỉ có 1 người phải điều trị trong bệnh viện. Còn ở nhóm người chưa bị nhiễm (có 13.496 người) thì có 528 người được phát hiện bị nhiễm virus sau đó (tỷ lệ 3.9%). Kết quả nghiên cứu cho ta thấy, 2 nhóm người này ở trong cùng một điều kiện thì nhóm người đã mắc bệnh Covid-19 xác suất tái nhiễm rất thấp, ít hơn khoảng 12.5 lần so với người chưa nhiễm và khả năng bảo vệ của miễn dịch tự nhiên này có thể kéo dài ít nhất là 1 năm.

Một nghiên cứu tương tự ở Thụy Sĩ quan sát 2 nhóm người đã nhiễm và chưa nhiễm virus từ tháng 4 - 6/2020 cho tới tháng 1/2021 cho thấy, số người tái nhiễm ở nhóm đã nhiễm Covid-19 là 7/498 người (tỷ lệ 1.4%). Tỷ lệ ở nhóm người chưa từng bị nhiễm mắc Covid-19 là 154/996 người (15.5%). Nghiên cứu này cũng cho thấy, nguy cơ tái nhiễm của người đã bị mắc Covid-19 là rất thấp, ít hơn nhóm chưa nhiễm khoảng 11 lần (khá gần với con số trong nghiên cứu ở Ý). Nhóm tác giả cũng thận trọng đưa ra nhận định, những người đã bị nhiễm virus tự nhiên có khả năng kháng lại việc tái nhiễm ít nhất là trong 8 tháng.

Xét nghiệm “thẻ xanh” không khó

Do văcxin Covid-19 mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp và chích ngừa nhiều gần đây nên hiện vẫn chưa có nghiên cứu so sánh trực tiếp giữa nhóm người đã chích văcxin và các nhóm bị nhiễm virus một cách tự nhiên. Mặc dù có thông tin nghi ngờ các biến chủng mới xuất hiện có thể “vượt” hàng rào miễn dịch để ở những người đã chích văcxin nhưng vẫn chưa có báo cáo khoa học nào về tỷ lệ “vượt rào”.

Một công trình nghiên cứu ở New York gần đây khẳng định người hồi phục có hệ miễn dịch mạnh hơn so với người được chích văcxin. Nghiên cứu cho thấy, tế bào nhớ B trong cơ thể người đã bị nhiễm virus có thể tiếp tục tiến hóa trong tối thiểu 1 năm để tạo ra các kháng thể giúp chống lại sự xâm nhiễm của virus, thậm chí là các biến chủng mới nguy hiểm. Trong khi đó, sự tiến hóa của các tế bào B này ở người chích văcxin mRNA (như của Moderna hoặc Pfizer- BioNTech) chỉ dừng lại khoảng trong 5 tháng sau khi chích ngừa.

Trong một nghiên cứu khác của nhóm ở Netherlands, các nhà khoa học thấy rằng cũng có sự khác biệt rõ rệt trong nhóm người bị bệnh nặng và nhóm người bị nhẹ hoặc không triệu chứng. Huyết tương lấy từ nhóm người bị bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng thường có ít kháng thể hơn và khả năng trung hòa virus yếu hơn, đặc biệt là đối với các chủng mới.

Như vậy, người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên, ngoài loại kháng thể được tạo ra để nhận biết protein S thì còn nhiều loại kháng thể khác nhận biết các loại protein khác nhau trong và ngoài virus, tương tác với nhiều con đường tín hiệu trong tế bào, kích thích hệ miễn dịch toàn vẹn hơn. Virus tồn tại trong cơ thể người bị nhiễm dài hơn (thường là 1 - 2 tuần) so với thời gian tồn tại các kháng nguyên được tạo ra bởi văcxin (thường chỉ vài ngày). Do vậy, các tế bào miễn dịch của cơ thể “học” được nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Các kết quả nghiên cứu khoa học cho đến nay cho thấy rằng, những người bị nhiễm virus một cách tự nhiên (có triệu chứng lẫn không có triệu chứng) có hệ miễn dịch khá tốt để ngăn chặn sự tái nhiễm virus, ít nhất là trong 8 tháng đến 1 năm hoặc hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho những người đó và cho cộng đồng, hiện nhiều nước trên thế giới khuyên những người này nên được chích văcxin sau 6 tháng kể từ ngày bị nhiễm bệnh để hệ miễn dịch kháng virus SARS-CoV-2 được kích hoạt đầy đủ.

Hiện nay, nhiều địa phương có kế hoạch cấp “thẻ xanh Covid” cho những người đã chích đủ 2 liều văcxin và người đã khỏi bệnh Covid-19 một cách tự nhiên, để nới lỏng việc quản lý đi lại. Một số người cho rằng, việc cấp thẻ này sẽ gặp khó khăn với những người tự điều trị ở nhà, tự khỏi và chưa khai báo. Tuy nhiên, về khoa học, sau khi nhiễm Covid-19, lượng kháng thể kháng virus trong máu tồn tại ít nhất là hơn 6 tháng sau nên việc xét nghiệm kháng thể không khó và không quá tốn kém. Các địa phương hoàn toàn có thể có chính sách xét nghiệm kháng thể để cấp “thẻ xanh Covid”, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường.

TS Nguyễn Hồng Vũ (Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím)

Theo Đời sống
back to top