Người từ bỏ thành Paris và mức lương 22 lạng vàng mỗi tháng... - Kỳ 3: Nhà trí thức tâm huyết với nền độc lập dân tộc

(khoahocdoisong.vn) - Năm 1946, trong chuyến sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Phạm Quang Lễ và ông đã theo Bác Hồ về nước. Ngày 5/12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo vũ khí để bộ đội ta đánh giặc.

Nhà trí thức trẻ chưa bao giờ ngơi hướng về Tổ quốc

Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris chỉ đạo việc đàm phán của phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau với tư cách thượng khách của chính phủ Pháp. Trong đông đảo Việt kiều yêu nước nhiệt liệt chào đón Người tại sân bay Le Bourget có Phạm Quang Lễ. Mặc dù cặm cụi học tập, nghiên cứu suốt 11 năm trời ròng rã nơi đất khách nhưng lòng nhà trí thức trẻ chưa bao giờ ngơi hướng về Tổ quốc. Dư âm của cuộc cách mạng tháng Tám đập tan mọi xiềng xích nô lệ tại Việt Nam bay tới trời Âu làm nức lòng những người con đất Việt xa quê như Phạm Quang Lễ. Ông lại càng khâm phục và kính trọng hơn khi biết rằng vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam không phải ai khác mà chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc từng bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường giành độc lập cho dân tộc, tác giả của cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” mà ông từng được đọc. Phạm Quang Lễ xin nghỉ việc và theo sát mọi hoạt động của phái đoàn Việt Nam trên đất Pháp.

Sau một thời gian được gần gũi Bác Hồ, trực tiếp cảm nhận được trí tuệ và đức độ của Người, sau này ông tâm sự: “Những ngày đi theo Bác tôi mới hiểu đầy đủ về Bác. Người đã dẫn dắt, rèn luyện và đào tạo tôi trở thành người trí thức chân chính, người cán bộ cách mạng”. Chính vì lẽ đó, khi Bác gặp riêng và hỏi Phạm Quang Lễ: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”, ông đã không chút đắn đo trả lời: “Thưa cụ. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”.

Ý chí của một dân tộc khát khao tự do và những lợi ích thực dân đã không thể điều hòa nổi trên bàn thương lượng. Sau nhiều vòng đàm phán, Hội nghị Fontaineleau kết thúc trong sự đổ vỡ. Ngày 8/9/1946, Bác cho Phạm Quang Lễ biết tình hình và thông báo: “Bác sắp về nước, chú chuẩn bị về với Bác, hai ngày nữa ta lên đường”. Đích thân vị lãnh tụ tối cao đã kêu gọi ông trở về đem tri thức của mình phụng sự đất nước, còn vinh dự nào bằng. Ông đã chờ giờ phút này 11 năm. Ít ngày sau, trên chuyến xe lửa đặc biệt đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Paris đi Marseille còn có một số trí thức Việt Kiều yêu nước tình nguyện theo Bác trở về. Họ là Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Vũ Đình Huỳnh.

Trên đường đi, Bác đem bản tạm ước 14/9/1946 ra giải thích và phân tích những khả năng có thể xảy đến. Người khuyến cáo trước: “Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam Bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào...”. Tuy nhiên, như mọi anh em khác, ý Phạm Quang Lễ đã quyết và không gì có thể thay đổi được. Khoản lương tháng 22 lạng vàng và cuộc sống an nhàn tại thành Paris hoa lệ đã không cầm nổi chân người trí thức tâm huyết với nền độc lập dân tộc. Gia tài ông mang theo hầu như chẳng có gì đáng giá, chỉ vẻn vẹn một ít đồ dùng cá nhân và hơn một tấn sách bao gồm toàn các loại tài liệu quý trong lĩnh vực chế tạo vũ khí. Ngày 19/9/1946, chiến hạm Dumont d’Urville chở phái đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rời quân cảng Tulon đi Việt Nam.

Sự kiện ra đời tên gọi Trần Đại Nghĩa

Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển, tàu Dumont d’Urville cập cảng Hải Phòng trong sự vui mừng khôn xiết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân đi đón. Lòng Phạm Quang Lễ tràn ngập niềm vui và nỗi xúc động vô bờ. Khi ra đi, tâm tư ông trĩu nặng sự tủi nhục của một người dân mất nước. Giờ đây, ông trở về Tổ quốc cùng Bác trong tình cảm nồng hậu của đồng bào ruột thịt. Gặp ông, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng bày tỏ sự vui mừng vì đã có một chuyên gia vũ khí giỏi. Phạm Quang Lễ tự nhủ phải làm điều gì đó để đền đáp vinh dự to lớn ấy.

Giai đoạn từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946 là một quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với chính quyền cách mạng non trẻ trước đủ mọi thù trong giặc ngoài, thể hiện rõ nét bản lĩnh và trí tuệ tuyệt vời của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong những cảnh huống đặc biệt nhạy cảm. Quân Tưởng đã bị đuổi khéo về nước nhưng được sự trợ giúp tích cực của Mỹ và Anh, thực dân Pháp đã quay trở lại với mưu đồ không giấu diếm hòng tái chiếm Đông Dương. Quân Pháp gây hấn ở phía Nam, đàn áp khởi nghĩa Nam Kỳ, tăng cường các cuộc khiêu khích ở Bắc Bộ và huênh hoang tuyên bố sẽ tiêu diệt lực lượng Việt Minh trong vòng 8 ngày. Với đối sách mềm mỏng song vô cùng cương quyết, Hồ Chủ tịch bình tĩnh chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị mọi mặt nhằm đương đầu với một cuộc chiến không tránh khỏi. Nghỉ ngơi ít hôm, kỹ sư Phạm Quang Lễ lập tức lên chiến khu ở Thái Nguyên nhận công tác.

Ngày 5/12/1946, ông được gọi về Hà Nội gặp Bác Hồ và được trao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Người nói: “Đây là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chú cố gắng cộng tác với anh em, ra sức xây dựng ngành quân giới, phục vụ cho bộ đội. Đó là một việc nghĩa rất lớn đối với dân, với nước. Do vậy, kể từ nay, Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa”. Kể từ đó, Phạm Quang Lễ bắt đầu một cuộc đời khác.

Kháng chiến bùng nổ, quân Pháp với ưu thế quân sự hơn hẳn đinh ninh rằng sẽ nhanh chóng đè bẹp đối phương đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt ở khắp nơi của những chiến sĩ nguyện “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Trong cuộc chiến đấu anh dũng, máu của quân và dân ta đã đổ nhiều bởi địch được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Hình ảnh người lính cảm tử quân ôm bom ba càng lẫm liệt đứng trên chiến lũy, sẵn sàng lao vào xe tăng địch, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng trong những ngày bảo vệ Thủ đô quả thật là một bài ca bi tráng nhưng nó khiến cho những người như Trần Đại Nghĩa phải mất ăn mất ngủ vì đó chính là xương máu của chiến sĩ ta. Ông và một số cộng sự đang gấp rút nghiên cứu, chế tạo một loại vũ khí nhằm đối phó với những chiếc chiến xa ngông nghênh của đội quân viễn chinh.

Trước đây, trong thời kỳ phát xít Nhật chiếm đóng, Đồng minh đã thả dù tiếp tế vũ khí xuống khu Cao - Bắc - Lạng, trong đó có súng Bazoka, một loại súng chống tăng được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Giữa năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giao mẫu Bazoka cho quân giới để chế tạo loại súng nói trên. Khi kỹ sư Trần Đại Nghĩa về nước thì một nhóm nghiên cứu do GS Tạ Quang Bửu đang tiến hành công việc này và với những tri thức về vũ khí hiếm hoi mang về từ nước ngoài, ông đã tiếp quản chương trình sản xuất Bazoka.

Qua một thời gian mày mò, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời khẩu Bazoka tự tạo đầu tiên, nhưng chưa phải mọi việc đã suôn sẻ ngay vì nó hoạt động không như ý muốn. Việc chế tạo đạn Bazoka đòi hỏi phải đáp ứng một số tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo: đây là loại đạn lõm, phải tính toán chính xác độ mở của hình chóp nón là bao nhiêu để tạo được uy lực nổ mạnh đủ sức xuyên phá xe tăng và lô cốt của địch; thuốc nổ cũng phải là loại tốt, đúng liều lượng... nếu không đạn sẽ quả nổ quả không hoặc bắn đi nhưng chỉ làm “xước da” mục tiêu, thậm chí tồi tệ hơn là nổ cướp ngay tại nòng súng.

(còn nữa)

Theo KH&ĐS
back to top