Người từ bỏ thành Paris và mức lương 22 lạng vàng mỗi tháng... Kỳ 2: Hành trình đến nước Pháp

(khoahocdoisong.vn) - Với trí thông minh tuyệt vời, Phạm Quang Lễ đã tốt nghiệp trung học xuất sắc và được nhận học bổng đi du học ở Pháp năm 1935. Ông đi học ở Pháp với ý chí học để sau này về nước chế tạo vũ khí đánh thực dân Pháp.

Thông minh, giàu can đảm, nghị lực và có chí hướng

Trong thời gian học trung học, Phạm Quang Lễ đã kết giao với một số bạn bè cùng chí hướng như Phạm Hùng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bá Can, Đặng Văn Chung. Họ thường trao đổi với nhau về những vấn đề xã hội, thời cuộc, các trào lưu tư tưởng tiến bộ và điều này càng làm cho Phạm Quang Lễ củng cố thêm quyết tâm của mình.

GS.VS Trần Đại Nghĩa.

GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Nhận thấy chàng thanh niên Phạm Quang Lễ thông minh lại giàu can đảm, nghị lực và có chí hướng, nhà báo Vương Quang Ngưu đã cho anh một cơ hội. Ông đã vận động Hội Ái hữu Chasseloup – Laubat cấp cho Lễ một suất học bổng trong vòng một năm nhằm tạo điều kiện cho anh thi vào một trường đại học của Pháp...

Tháng 9/1935, Phạm Quang Lễ đáp tàu thủy sang đất nước của Napoléon, đến Paris du học. Trở ngại đầu tiên anh vấp phải là chương trình ôn thi vào đại học kéo dài hai năm trong khi học bổng chỉ vẻn vẹn một năm. Lễ chọn giải pháp học nhảy một năm, như vậy tuy có vất vả nhưng với sức học của mình, anh tin sẽ vượt qua được. Vả chăng cơ hội du học không có nhiều, nếu không nắm lấy nó sẽ vuột mất. Chưa bao giờ Phạm Quang Lễ cảm thấy cánh cửa trường đại học gần như lúc này, nó sẽ giúp anh thực hiện hoài bão nung nấu bấy lâu.

Sau một năm chạy đua với chính mình, những nỗ lực tột bậc của Lễ đã được đền đáp xứng đáng. Anh thi đậu vào trường Cầu đường Paris với điểm số được hưởng học bổng, đây là điều không dễ ngay cả với sinh viên Pháp. Lễ sung sướng đến trào nước mắt, anh đang bước những bước đầu tiên trên con đường tới ước mơ hằng ấp ủ. Ở nơi kia, tít tận miền quê Nam Bộ có cặp mắt của mẹ luôn dõi theo động viên anh. Cuộc sống sinh viên bận rộn bắt đầu. Paris hồi đầu thế kỷ đó là kinh thành ánh sáng, trung tâm của những thành tựu kỹ thuật và văn hóa. Người ta thường biết đến một Paris hoa lệ bên dòng sông Seine thơ mộng, một Paris ăn chơi không ngủ về đêm chứ mấy người để ý tới một Paris đại học. Ai đã từng đặt chân đến khu Latin với những đường phố nhỏ hẹp cổ kính và những quán cà phê luôn đầy ních sinh viên mới thấy được cái không khí đẫm chất sinh viên ở đây. Người ta hút thuốc, uống chút gì đó, ồn ã tán gẫu và... học.

Phạm Quang Lễ hòa nhập rất nhanh với môi trường tại khu đại học và cảm thấy thích cái lối sống chơi hết mình nhưng học cũng hết mình của cánh sinh viên đó. Nhưng anh không có thời gian để ngồi ở quán cà phê hay đi khiêu vũ. Ngoài trường Cầu đường, các giáo sư và sinh viên tại Đại học tổng hợp Sorbonne, Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ, Đại học Điện và Học viện Kỹ thuật Hàng không vẫn thấy một sinh viên châu Á bé nhỏ đến học đường chăm chú nghe giảng. Sở dĩ cùng lúc Lễ học nhiều trường như vậy là vì anh muốn nhanh chóng lĩnh hội tất cả những kiến thức cơ bản cần thiết để sớm tiếp cận mục tiêu đặt ra ngay từ đầu mà anh không thể học một cách công khai: kỹ thuật công nghệ chế tạo vũ khí. Những cuốn sách luôn có một sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi đối với Lễ. Ngoài giờ học, anh vùi đầu trong thư viện và thường làm việc đến 16 giờ một ngày. Bạn bè thấy cường độ học tập quá căng, sợ Lễ ốm bèn khuyên anh nên ngủ nhiều hơn cho lại sức. Anh cười trả lời: “Tôi sang Pháp học chứ đâu phải để ngủ. Khi về Việt Nam tôi sẽ ngủ nhiều hơn”. Thỉnh thoảng Lễ thư giãn bằng cách đến thăm các bảo tàng, nhưng nơi anh hay lui tới nhất vẫn là Viện bảo tàng vũ khí.

Suýt lỡ dở sự học

Mặc dù việc học hành bù đầu, Phạm Quang Lễ vẫn thư từ đều đặn về nhà và hằng tháng còn trích 400F học bổng gửi về đỡ đần mẹ và chị. Mùa hạ năm 1937, một tin dữ từ Việt Nam bay sang: Người chị gái không may bị lũ cuốn trôi khi đi mua thức ăn cho gia súc. Lễ bàng hoàng, vậy là lại thêm một người thân yêu nữa của anh ra đi, người chị từng chịu thua thiệt từ tấm bé, sau lại nguyện không lấy chồng để phụng dưỡng mẹ già cho em yên tâm ăn học. Phạm Quang Lễ tức tốc về Vĩnh Long bên người mẹ già đang gần như mất trí. Anh vô cùng đau buồn và trong thâm tâm đã định bỏ học, ở hẳn nhà chăm sóc mẹ. Nhưng chính bà đã giục anh sớm quay lại nước Pháp, hoàn thành việc học hành còn dang dở. Phạm Quang Lễ vâng lời, anh lên đường mà lòng rối bời. Lễ không hề biết rằng đó cũng là lần cuối cùng anh còn được gặp người mẹ yêu quý.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thông tin liên lạc trở nên khó khăn. Sau này anh có gửi tiền về cho bà thì đều bị trả lại mà không rõ nguyên do. Mãi cho tới năm 1955, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đang ở Hà Nội mới nhận được tin mẹ mất sau 14 năm biệt vô âm tín. Và cũng chỉ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông mới có điều kiện trở về thắp hương trên mộ bà.

Trở lại Paris, Phạm Quang Lễ lại lao vào sách vở. Trải qua những kỳ thi cực kỳ căng thẳng, ông đồng thời nhận ba bằng đại học: Cử nhân toán, kỹ sư cầu đường và kỹ sư điện. Không dừng ở đó, tiếp sau Phạm Quang Lễ lấy thêm bằng kỹ sư mỏ, kỹ sư hàng không và một số chứng chỉ khoa học khác. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Quang Lễ vào làm việc tại phòng thiết kế của một công ty chế tạo máy bay. Nhờ trình độ và năng lực xuất sắc, ông được đề bạt làm kỹ sư trưởng hưởng mức lương tương đương 22 lạng vàng một tháng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với ông không phải là khoản thu nhập hấp dẫn, vấn đề ở chỗ công ty này không chỉ sản xuất các loại máy bay dân dụng mà chế tạo cả phi cơ chiến đấu và nhiều loại vũ khí khác.

Với vị trí công tác thuận lợi, Phạm Quang Lễ có cơ hội trao đổi với những đồng nghiệp, quan sát thực tế và được phép tiếp cận, nghiên cứu tất cả các bản vẽ thiết kế, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thiết kế, chế tạo và sử dụng từ các loại súng bộ binh, bom mìn đến pháo. Lợi dụng tình hình hỗn loạn khi phát xít Đức tấn công nước Pháp, Phạm Quang Lễ đã sưu tầm và thu thập được một số lượng lớn những tài liệu quý liên quan đến công nghiệp phục vụ quốc phòng. Ông biết một ngày nào đó, Tổ quốc sẽ cần đến...

(còn nữa)

Theo KH&ĐS
back to top