“Người muôn năm cũ” với tấm lòng nhân hậu

c mệnh danh là “Người muôn năm cũ” với tấm lòng nhân hậu, 88 tuổi, bà Lê Thị Sóc (Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, say sưa cống hiến sức lực tại phòng khám và tư vấn nhân đạo của phường.

 Bà Lê Thị Sóc tại phòng khám tư vấn nhân đạo.

87 tuổi vẫn cống hiến 

Trước khi nghỉ hưu, bà Sóc làm y tá  tại phòng khám ngoại, Bệnh viện Xanh Pon, Hà Nội. Năm 1982 nghỉ hưu thì đến năm 1984 bà bắt đầu tham gia công tác của hội Chữ thập đỏ. Thế là từ đó luôn chân luôn tay, không dứt ra được. Ngay cả đến khi tròn 80 tuổi, bà xin với lãnh đạo phường cho nghỉ, nhưng mọi người đều động viên bà làm tiếp vì chưa tìm được người thay.

Đến nay đã ở tuổi 87, ngay cả khi phải mổ dạ dày, thì cũng chỉ 2 tháng sau là bà đã lại tiếp tục công việc của người y tá ở phòng khám nhân đạo.

Bà bảo, làm thì vất vả đấy nhưng thứ nhất là tính mình cứ phải luôn chân luôn tay, chứ ngồi không là ốm thêm. Thứ nữa là tham gia công tác là được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, tâm sự, chia sẻ cũng vui. Mà công việc này, chỉ ai làm thì mới hiểu, không dứt ra được.

Các con các cháu cũng ủng hộ vì thấy bà vui khỏe. Hơn nữa làm gì thì làm nhưng việc nhà bao giờ bà cũng chu toàn. Dù ở nhà, lo bà tuổi cao nên con cháu không cho leo lên tầng nhiều nữa, nhưng ra ngoài bà vẫn đi khắp nơi, nhanh nhẹn, không nề hà việc gì.

Không nhiều tiền vẫn làm từ thiện được

Nhiều người nghĩ những người làm từ thiện phải là người có điều kiện về kinh tế. Nhưng gặp bà tôi mới hiểu, có những người rất giàu nhưng họ chẳng cho ai cái gì bao giờ. Còn nếu có một tấm lòng nhân hậu, thì chẳng có nhiều tiền, người ta vẫn làm từ thiện được.

Chỉ sống bằng đồng lương hưu, cũng không dư dả gì, không có nhiều tiền để làm từ thiện, nhưng không có việc gì là bà Sóc không tham gia, từ việc trao quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi thương bệnh binh, những chuyến đi từ thiện… bà đều có mặt. Bà đóng góp bằng công sức, tấm lòng nhân hậu và nhiệt tâm của mình.

Và chính tấm lòng nhân hậu, nhiệt thành và sự vô tư, công tâm của bà đã khiến cho nhiều người tin tưởng. Người ta mang tiền đến đóng góp, nhờ bà ủng hộ chỗ nọ chỗ kia. Có người gọi đến đưa cho 1 triệu. Dù tiền nhiều, tiền ít, bao giờ bà cũng phải có giấy biên nhận, có báo cáo thu chi đầy đủ. Thế nên hơn ba chục năm làm công việc này, không có điều tiếng gì, được mọi người rất tin tưởng.

Bà Sóc tâm sự: Những người như chúng tôi là lớp người cũ. Nghèo thì nghèo nhưng tuyệt đối không bao giờ tơ hào của ai một đồng nào. Hồi còn công tác ở bệnh viện, không bao giờ được nhận quà của bệnh nhân. Có lần người ta ra viện, quay lại biếu riêng mình một gói bánh. Hồi đấy một gói bánh là quý lắm, con cái ở nhà có khi cả năm chả được ăn. Nhưng nào có dám mang về, lại đưa nộp tập thể, để cả khoa liên hoan. Rồi có khi người ta để quên đồ, phải tìm cách để trả lại…

Tôi làm việc đó chẳng bao giờ phải đắn đo, suy nghĩ này nọ, vì đó là một việc đương nhiên. Chỉ đơn giản là vì, cái gì đã không phải của mình thì không bao giờ được lấy.

Đến giờ vẫn vậy, ra chợ nhìn thấy tiền rơi, tiền to, tiền bé không quan tâm, tôi bao giờ cũng kêu lên xem ai mất thì nhận lại. Chẳng có gì to tát cả đâu, nhưng một khi đã thành tính cách rồi thì không làm khác đi được. Mà tôi thấy quanh đây cũng rất nhiều người sống như thế, nhiệt tình công tác, chẳng đòi hỏi gì cả.

Hồng Minh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top