Người mẹ ảnh hưởng đến thời điểm dậy thì của con cái như thế nào?

Nhiều yếu tố tác động đến độ tuổi dậy thì của các bé trai và bé gái, trong đó có thời điểm dậy thì của người mẹ.

Theo Daily Mail, một nghiên cứu của Đại học Aarhus (Đan Mạch) chỉ ra rằng những phụ nữ có kinh nguyệt sớm hơn các bạn của mình, tương lai các con của họ cũng sẽ dậy thì sớm hơn.

Cụ thể, những bà mẹ dậy thì trong độ tuổi từ 8 đến 11 tuổi, con trai họ về sau sẽ có các dấu hiệu dậy thì sớm hơn hai tháng rưỡi so với các bạn, như phát triển lông nách, mọc mụn và vỡ giọng. Còn con gái của họ sẽ thấy ngực nở sớm hơn bình thường sáu tháng.

Trong một nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu người Đan Mạch, đứng đầu là Signe Sørensen, đã phân tích 15.822 em nhỏ 11 tuổi từ năm 2012 đến 2016, trong số đó có 8.125 bé gái. Sau sáu tháng, các em nhỏ lại trả lời bảng câu hỏi điều tra để xem chúng đang ở giai đoạn nào của tuổi dậy thì. Mẹ của các em nhỏ này cung cấp thời điểm họ bắt đầu thấy kinh nguyệt.

Bác sĩ Nis Brix, tác giả của nghiên cứu cho biết khi gặp một trường hợp dậy thì sớm hay muộn, các bác sĩ sẽ xem xét tiền sử gia đình.Kết quả của nghiên cứu đã được đăng trên Tạp chí Y học Sinh sản. Theo đó, thời điểm dậy thì của người mẹ có tác động đến độ tuổi dậy thì của các con họ.

Nghiên cứu cho thấy cứ sau 10 năm, độ tuổi dậy thì ở các bé gái lại sớm hơn 4 tháng. Ở thế kỷ XIX, độ tuổi dậy thì ở cả hai giới đều từ 16-19 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi dậy thì ở bé gái là 8-13 tuổi và ở bé trai là 9-14 tuổi.

Thực tế này được cho là do tỷ lệ béo phì tăng, khi có nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa chỉ số khối cơ thể BMI của trẻ và thời điểm trẻ có dấu hiệu dậy thì.

Căng thẳng và tiếp xúc với hóa chất như thuốc trừ sâu cũng được cho là một thủ phạm. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, Melbourne (Australia) được công bố năm ngoái cho thấy các trẻ em nghèo có khả năng dậy thì sớm hơn bình thường. Điều này là do tình trạng đói nghèo khiến các em căng thẳng, và sinh ra các hormone sinh sản sớm hơn.

Theo news.zing.vn
back to top