Người lao động được vay ưu đãi đến 100 triệu từ Quỹ quốc gia về việc làm

(khoahocdoisong.vn) - Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động.

Về mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

So với Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, các mức vay và thời hạn vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động trung bình được tăng lên gấp đôi.

Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

Thời hạn vay vốn được tăng lên tối đa 120 tháng (so với 60 tháng theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP). Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Đặc biệt, về lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động (Khoản 1 Điều 12 Luật Việc làm), Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi theo hướng “lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo”. Điều kiện bảo đảm tiền vay, đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Bên cạnh đó, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung các điều, khoản về hồ sơ vay vốn đối với người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh (trong đó, có cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật, sử dụng từ 30% tổng số lao động là người dân tộc thiểu số, sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số; mức % trích lại từ tiền lãi vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ chi phí cho công tác quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát; việc huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Nghị định cũng sửa đổi một số nội dung khác liên quan đến điều kiện bảo đảm tiền vay đối với người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Nghị định có hiệu lực từ ngày 8/11/2019.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top