Người làm việc căng thẳng nên ăn uống thế nào?

Những người làm việc nhiều, luôn căng thẳng dễ gặp vấn đề sức khỏe. Do đó, cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho riêng mình.

Hỏi: Vợ chồng tôi thường xuyên phải làm việc căng thẳng, nên đôi khi cũng thấy mệt mỏi, mất tập trung. Đặc biệt, việc ăn uống thường xuyên không theo giờ giấc, lúc bị đói lúc lại tiếp khách ăn nhiều... Xin KH&ĐS tư vấn giúp tôi xem ăn uống như thế nào để có sức khỏe tốt?

Nguyễn Thị Thành (Hà Nội)

dinh-duong-cho-nguoi-1.jpg
Người làm việc căng thẳng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cho riêng mình.

TS.BS Trần Quốc Cường, giảng viên Trường Đại học Y Dược, TPHCM: Với lịch sinh hoạt này, anh chị rất dễ mắc một số vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo bụng, tăng huyết áp, viêm dạ dày, tăng cholesterol máu, goute và đái tháo đường. Do đó, cần từng bước thay đổi và dần xây dựng những thói quen tốt.

Thứ nhất, tuy lịch sinh hoạt của mình có lệch so với mọi người, nhưng nên giữ cố định lịch đó sẽ tốt hơn là thay đổi mỗi ngày. Ví dụ như nếu 13h mới ăn trưa thì cứ giữ cố định mỗi ngày, tránh thay đổi khác nhau mỗi ngày dễ bị viêm dạ dày. Ngoài ra, không nên bỏ bữa ăn sáng và không ăn cơm chiều trễ hơn 20h.

Thứ hai, cố gắng thực hiện các khuyến nghị về dinh dưỡng càng nhiều ngày trong tuần càng tốt: Ăn đủ 2 - 3 đơn vị rau và 3 đơn vị trái cây mỗi ngày; Hạn chế ăn rượu, bia và thực phẩm chế biến sẵn…

Thứ ba, hạn chế tối đa các thức uống có tính kích thích như cà phê, nước tăng lực, nước ngọt coca, trà đậm vì sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ và càng mệt thêm.

Thứ tư, không bỏ tinh bột. Ăn đạm thay thế tinh bột sẽ làm cơ thể rối loạn chuyển hóa và sinh nhiều bệnh rối loạn mỡ máu, goute và đái tháo đường. Do đó, phải ăn đủ tinh bột, nhưng nên chọn cơm gạo lứt, bánh mỳ đen để ăn ít mà no lâu thay vì sử dụng nhiều chất đường ngọt như bánh, kẹo.

Thứ năm là những lúc không thể ngưng lại để có bữa ăn thường lệ thì nên chuẩn bị sẵn những thực phẩm thay thế gọn nhẹ, tiện lợi và lành mạnh tránh bỏ luôn bữa. Các thực phẩm thay thế có thể là 1 hộp sữa tươi, 1 hộp sữa đậu nành, 1 ly sinh tố trái cây, bánh mỳ tươi, 1 thanh ngũ cốc.

Thứ sáu là hạn chế tối đa các bữa nhậu và tiệc tùng. Nếu không thể tránh khỏi thì phải chủ động chọn thực đơn với các món nhiều rau, hạn chế các món chiên ngập dầu...

Cuối cùng, để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, phải biết nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc (ít nhất 7 tiếng mỗi ngày), dành thời gian vận động thể dục thể thao.

Theo Đời sống
back to top