Người già dễ xơ thận khi dùng lá cây chữa bệnh

Thận người già đã suy giảm chức năng nên dễ nhiễm độc với các loại thuốc. Vì vậy, cần thận trọng với các loại lá cây, rễ cây, thuốc gia truyền chữa đau lưng, đau khớp, mất ngủ… có thể gây tác hại nguy hiểm cho thận.

Thuốc ít gây hại vẫn làm hỏng thận

Một nguồn gây nhiễm độc đối với thận đáng kể của xã hội ngày nay là các chất hóa dược, thông qua việc sử dụng thuốc men không đúng hoặc có thói quen sính dùng thuốc gây nên. Chúng công phá thận, làm suy yếu hoạt động của thận mà nhiều khi không biết. Đó cũng là cái giá phải trả đối với những người chỉ muốn mưu cầu sự khoẻ mạnh, sống lâu bằng thuốc thang.

Có loại thuốc mà con người đã dùng từ non nửa thể kỷ và được coi như ít gây hại nhất, nhưng đến khi lạm dụng nó sau mới phát hiện ra chính nó gây nên trạng thái xơ thận không hồi phục.

Chẳng hạn, dùng bột cam thảo để chữa các cơn đau loét có thể bị suy thận do tổn thương cầu thận. Hoặc dùng cam thảo làm nước giải khát kéo dài có thể gây nên bệnh cao huyết áp, do tác động của chất glyxyrizin trong cam thảo. Bệnh dễ rất nhầm với cao huyết áp do u tuyến thượng thận.

Các muối kim loại nặng như vàng, chì, thủy ngân, thạch tín, đồng… hay có mặt trong các đơn thuốc chữa hen cổ truyền (cũng có khi có trong đơn chữa sốt, kinh giật, đau khớp…) dùng không thận trọng có thể gây nên viêm ống thận cấp, gây đái ra albumin hay vô niệu…

Tình trạng nhiễm độc thuốc do tệ nạn “lang vườn” gây ra khá phổ biến. Hằng năm, các bệnh viện gặp không ít tình trạng nhiễm độc cấp tính và mạn tính do tai nạn này như suy thận tử vong do mật cá trắm, do dùng các bài thuốc gia truyền có kim loại nặng; viêm ống thận cấp do mủ cóc; viêm tắc động mạch thận do dùng các loại rễ cây có chất độc; suy đa tạng do uống mật gấu…

Còn biết bao tình trạng nhiễm độc mạn tính mà bệnh nhân không biết: vì đã quá tin ông lang này, bà lang nọ (những ông lang không được phép Nhà nước), mà mang bệnh xơ gan, một chứng hạ bạch cầu, rối loạn huyết học, viêm thận tiềm tàng, suy tủy…

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/nguoi-gia-de-xo-than-khi-dung-la-cay-chua-benh1.jpg

Ảnh minh họa.

Thận suy cũng không biết

Điều đáng lo ngại là đôi khi tuổi già tuy có hàng loạt các quá trình biến đổi ở thận, bệnh thận đã nặng nhưng vẫn khó phát hiện vì không thể hiện triệu chứng trên lâm sàng. Khi đã phát hiện được những biểu hiện suy thận đầu tiên, có nghĩa là trên 3/4 thận đã bị tổn thương.

Bởi thận có khả năng bù trừ rất lớn, một triệu rưỡi nêphron (đơn vị thận) ở mỗi thận tập hợp lại từng bó, chia ra thành từng khu, từng vùng). Chúng làm việc có kế hoạch để bảo đảm năng suất: nhóm này làm việc thì nhóm kia nghỉ; khu này hoạt động mạnh khu kia giảm đi, không bao giờ chúng làm việc với sức hoạt động tối đa.

Vì vậy, chỉ khi nào 3/4 số nêphron bị tổn thương hay bị phá hủy, lúc đó thận mới không kham nổi công việc hằng ngày và mới bắt đầu có biểu hiện suy thận.

Do đó, ở tuổi già tuy đã có hàng loại quá trình biến đổi ở thận nhưng rất khó phát hiện, vì không thể hiện triệu chứng trên lâm sàng. Khi có triệu chứng dấu hiện bệnh thận được coi là nặng nề bệnh nhân lại chết vì một bệnh khác trước khi triệu chứng suy thận kịp biểu hiện.

Hơn nữa, ở người già chức năng của thận bị suy giảm, đặc biệt là độ lọc cầu thận giảm dẫn đến sự ứ đọng tiềm tàng và kín đáo các chất độc đối với cơ thể. Biểu hiện rõ nhất là các loại thuốc uống vào. Người già không chịu được liều cao như người trẻ.

Cùng một liều lượng thuốc nhưng ở người già thì nồng độ dễ tăng cao trong máu do sự đào thải chậm hơn ở người trẻ (có khi kéo dài nhiều ngày); tác hại đến thận cũng dễ xuất hiện hơn. Vì vậy, phải thận trọng về liều lượng thuốc đối với người già, nhất là các loại thuốc bảng A hay B, C… Có hàng trăm thứ thuốc mà nếu không thận trong khi cho đơn ở người già, có thể gây nguy giảm những chức năng âm thầm của thận.

Vì vậy, các lá cây, rễ cây chưa biết rõ, các bài thuốc “gia truyền”…chưa nắm chắc tác dụng mà người già ở nước ta dễ tin theo thường dùng để chữa đau lưng, đau khớp, mất ngủ, suy yếu… rất có thể gây nên những tác hại không nhỏ cho thận. Chúng gây nên tình trạng ô nhiễm nội môi, công kích lại cơ thể, thúc đẩy quá trình lão hóa, thu ngắn cuộc đời. Tốt hơn hết là chưa biết rõ tác dụng của thuốc thì chưa nên dùng.

GS.TSKH Hoàng Tuấn

(nguyên Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an)

Theo Đời sống
back to top