Người đốt đuốc tìm về quá khứ

Kỳ 2: Chống gậy xây đền thờ

Ngày 17/8 năm Nhâm Tuất (1442), vợ chồng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ cùng ba đời bị xử trảm. Tiếng oan ngất trời, xao xác Thăng Long, truyền cả địa cầu, không năm không tháng. Gần 600 năm sau vụ án ấy, có một thầy giáo luôn đau đáu, khắc khoải đêm ngày chống gậy, đốt đuốc tìm về Lệ Chi Viên.

Nếu có ai hỏi, ai là người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ nhất? Tôi sẽ chẳng chần chừ trả lời rằng: Đó là thầy giáo Hoàng Đạo Chúc, người gần 40 năm nay nước mắt ngắn dài, lọ mọ làm những công việc không thuộc phận sự. Tất cả, chỉ vì niềm yêu kính vị anh hùng dân tộc.

Tôi đến làng Lủ thuộc phường Đại Kim (Hoàng Mai – Hà Nội) gặp thầy Hoàng Đạo Chúc. Thầy đã là cao niên nhất bực của làng, bước sang tuổi 84 nên sức lực cũng không còn nhiều. Mỗi lời thầy nói, đã phải cố gắng lấy hơi, rồi lại ngắt quãng bởi lúc nhớ lúc quên.

Người đốt đuốc tìm về quá khứ ảnh 1
Thầy Hoàng Đạo Chúc luôn đau đáu với vụ án Lệ Chi Viên.

Là Hội trưởng Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, mà công việc lại quá bộn bề vất vả đã làm sức khỏe thầy nhanh chóng đi xuống chăng? Nhưng có một điều rất thật, ai nhắc tới câu chuyện đau lòng về thảm án Lệ Chi Viên đúng 574 năm trước là thầy Chúc lại khóc. Mà điều ấy, thầy đã khóc mấy chục năm nay rồi.

Sống với quá khứ

Nhiều người bảo, thầy Hoàng Đạo Chúc có một tâm hồn quá đỗi nhạy cảm. Có lẽ thế thật, cứ nhìn thầy khóc là biết. Nhưng thầy bảo, vì được sống trong “cái nôi văn hóa” làng cổ, nhiều danh nhân nổi tiếng của làng Lủ đã làm cho thầy như phải sống trong tâm tưởng, hướng về quá khứ tiền nhân mà vui với niềm vui, buồn với nỗi buồn.

 “Tôi là giáo viên môn lịch sử, và luôn bị ám ảnh bởi vụ án Lệ Chi Viên. Cho đến khi lên Tây Bắc dạy học từ 1959 thì những buổi đưa học sinh đi thực tế, mỗi khi kể lại thảm án Lệ Chi Viên, trái tim tôi  lại cảm thấy nhói đau, trăn trở trước oan sai ngút trời trong lịch sử Việt Nam. Tôi cứ ấp ủ một khát khao phải làm sao trả lại chân giá trị cho người anh hùng dân tộc”, thầy Hoàng Đạo Chúc.

Ở trước nhà thầy Chúc, phía bên kia là di tích lịch sử văn hóa, từng là tư gia của quan đại thần Nguyễn Trọng Hợp, người phục vụ qua bảy đời vua nhà Nguyễn. “Đây cũng là vị quan để lại nhiều tranh cãi vô cùng. Nhưng tôi vẫn cứ cho rằng, cụ là một viên quan tốt. Đọc thơ cụ thì đủ biết thôi:

Nay vâng mệnh triều đình đi sứ/Cầm tay khó xử muôn phần/Không đi mang tội khi quân/Đi thì mang tiếng phản dân cầu hòa/Nếu biết trước ở nhà làm ruộng/Còn hơn làm ông thượng ông quan/Mấy lời nhắn nhủ thế gian/Học để mà biết làm quan đừng màng”, thầy Chúc tâm sự.

Người đốt đuốc tìm về quá khứ ảnh 2
Tuổi cao, nhưng thầy Chúc vẫn đi khắp nơi tìm lời giải cho vụ án oan Lệ Chi Viên năm xưa.

Đứng mé đường làng, thầy Chúc chỉ tay về phía Đông bảo nơi ấy là mộ cụ Nguyễn Văn Siêu: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường. Thầy Chúc lấy làm tự hào lắm, làng Lủ mình lại có một thần Siêu nổi tiếng thế gian.

Cũng chưa hết, làng Lủ còn có Tiến sĩ Hồng Hạo đời Lê Dụ Tông; còn Nguyễn Công Thái làm đến chức Tể tướng kiêm Tế tửu; rồi còn thi sĩ Tản Đà, danh nhân Hoàng Đạo Thành, Hoàng Đạo Thúy.

Thầy Chúc là hậu duệ của danh nhân Hoàng Đạo Thành và Hoàng Đạo Thúy. “Tôi gọi ông Thúy là ông trẻ. Ông là một nhà hoạt động văn hóa xã hội, là thủ lĩnh phong trào Hướng đạo Việt Nam nên tôi học được ở ông rất nhiều. Đặc biệt là tình yêu với quê hương đất nước, với lịch sử dân tộc”, thầy Chúc cho hay.

Đốt đuốc tìm đường

Thầy Chúc bảo rằng, với một người đa cảm, già cả nên nhiều khi chỉ sống bằng tâm tưởng bên trong. Khi còn là một thầy giáo cắm bản trên Tây Bắc, mỗi đêm khuya thanh vắng nằm ngủ trên nhà sàn nghĩ về bài giảng lịch sử, về anh hùng Nguyễn Trãi với thảm án Lệ Chi Viên, thầy lại khóc sùi sụt suốt đêm.

“Nói không ngoa đâu. Nhiều lần tôi khóc trên lớp làm học trò khóc theo. Không biết sao mà tôi lại bị vậy. Khi biết chuyện, GS. Vũ Khiêu bảo tôi rằng: Ông là con một của cụ Trãi, cụ Lộ rồi. Cả thiên hạ này, không ai yêu kính họ được như ông”, thầy Chúc tâm sự.

Người đốt đuốc tìm về quá khứ ảnh 3
Suốt 40 năm qua, thầy Chúc đã đi khắp nơi kêu gọi xây dựng, tu bổ các công trình văn hóa tưởng nhớ Nguyễn Trãi.

Năm 1980, Tổ chức Unesco công nhận người anh hùng Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới. Buổi lễ trang trọng được tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), thầy Chúc được mời tham dự, và khi nghe diễn văn của các nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế đã làm thầy Chúc cảm động thêm một lần nữa. Và từ đây, bắt đầu hành trình đốt đuốc tìm về quá khứ của thầy giáo làng Lủ.

Thầy Chúc bảo rằng, tôi đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng về vợ chồng anh hùng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ và biết rằng, ngoài nỗi oan khuất của một vị khai quốc công thần, còn là nỗi đau của cả ba đời, ba họ và của cả dân tộc. Trong khi đấy, không có một lời giải, không có một ai bỏ công ra xây cất đền thờ, khôi phục Lệ Chi Viên để cho người đời nay và thế hệ mai sau biết tường tận chuyện lịch sử dân tộc.

Vậy là thầy Hoàng Đạo Chúc với thân hình bé nhỏ, ốm yếu đã lọ mọ trên chiếc xe đạp cũ chạy lóc cóc khắp nơi. Từ Khuyến Lương (Hoàng Mai), nơi từng có ngôi nhà của vợ chồng Nguyễn Trãi mà theo sử kể là “góc thành Nam, lều một gian” đến quê hương bà Nguyễn Thị Lộ ở tận xã Tân Lễ (Hưng Hà – Thái Bình).

Đặc biệt, ở thôn Lệ Chi Viên, xã Đại Lai (Gia Bình – Bắc Ninh), nơi khởi nguồn của vụ án Lệ Chi Viên năm nào đã là một vùng đất oan nghiệt với người anh hùng Nguyễn Trãi. Khi thầy Chúc về đây thì cũng là lúc bao nhiêu đớn đau hiện về. Ngồi một mình giữa vườn vải, thầy nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho vợ chồng danh nhân Nguyễn Trãi, như là một chút lòng thành của người dân nước Việt đối với người anh hùng.

Khai sinh “Hội Nguyễn Trãi”

Cho đến nay, chắc hẳn nhiều người đã từng nghe đến “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ”. Nói là hội nhưng thực chất không phải là hội, không phải là hội nhưng lại là hội. Đấy là điều lạ nhất mà chính thầy Chúc cũng công nhận.

Người đốt đuốc tìm về quá khứ ảnh 4
Thầy Chúc là người lập “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ”.

“Hội không có quỹ, không ai phải đóng góp một đồng nào, không có con dấu, không rõ bao nhiêu hội viên. Đấy là sự thật. Hội luôn đón mừng tất cả mọi người, bất kể là người Việt Nam hay người nước ngoài, miễn sao có niềm yêu mến tôn kính đối với vợ chồng danh nhân Nguyễn Trãi”, thầy Chúc cho biết.

Để tập hợp được mọi người chung vai gánh vác việc xây dựng đền thờ, giải oan cho bà Nguyễn Thị Lộ… thì việc thành lập hội những người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ là rất quan trọng. Thế nhưng, phải rất khó khăn thầy Chúc mới thành công. Bởi vì, nhiều người cho rằng thầy lập hội để lừa đảo, để lòe thiên hạ.

Cũng đôi lần tự ái trước ngờ vực, nghi hoặc của người đời. Nhưng thầy Chúc bấm bụng: Mình đã quyết tâm dành phần đời còn lại để giải oan cho vợ chồng danh nhân, khơi gợi tình yêu với lịch sử… thì há gì khó khăn, sợ gì điều tiếng. Thế là thầy ra sức kêu gọi, mười rồi vài chục, vài trăm cho đến cả nghìn người liên hệ với thầy, mong được đồng lòng, góp sức vì lịch sử.

Và bước đầu, thầy Hoàng Đạo Chúc đã thành công. Nhưng con đường phía trước còn dài, rất dài.

(Còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top