Người dân TP.HCM dễ 'đi chợ' nhanh trên Zalo

Với ứng dụng Zalo sẵn có trên điện thoại, nhiều người dân tại TP.HCM có thể mua thực phẩm thiết yếu tại các điểm bán gần nơi sinh sống thông qua tính năng Zalo Connect.

Trước khi TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, chị Hoàng Anh (quận 4) nhập về hơn 400 trái dừa xiêm Bến Tre cùng nhiều loại trái cây, rau củ từ Đà Lạt về TP để dùng cho gia đình cũng như bán lại cho những người dân có nhu cầu quanh phường Bến Vân Đồn.

"Ban đầu, tôi hay đăng bài rao bán trên fanpage cư dân của chung cư hoặc nhóm nhắn tin bán hàng. Tuy nhiên, các tin rao bán thường bị trôi vì quá nhiều người bán hàng trong nhóm", chị Hoàng Anh cho biết.

"Khi khách có nhu cầu liên lạc mình cũng không kiểm soát được hết tin nhắn của khách để phản hồi. Mới đây, tôi đã mở thêm gian hàng trên Zalo Connect và giải quyết được cả 2 vấn đề này", chị giải thích.

"Đi chợ hộ" trên Zalo Connect

Ứng dụng Zalo cung cấp tính năng Zalo Connect nhằm hỗ trợ người dân tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng về lương thực, thuốc, nhu yếu phẩm hoặc kết nối với bác sĩ, chuyên gia y khoa để được tư vấn y tế từ xa. Thông qua bản đồ Zalo Connect, các cá nhân, tổ chức thiện nguyện sẽ phát hiện trường hợp đang gặp khó khăn gần khu vực sinh sống để giúp đỡ kịp thời.

Đánh giá được nhu cầu mua nhu yếu phẩm của người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, Zalo Connect tiếp tục bổ sung thêm chức năng "Đi chợ hộ và cung cấp hàng thiết yếu".

Cụ thể, tính năng này giúp người bán có thể đăng ký điểm bán với địa chỉ kèm danh sách các sản phẩm thiết yếu mà mình kinh doanh. Dựa vào vị trí đã đăng ký, điểm bán sẽ hiển thị trên ứng dụng của người mua hàng trong khu vực lân cận. Người bán chủ yếu là các cá nhân, đại lý, cửa hàng tạp hóa hoặc các nhà phân phối thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, những người bán hàng như chị Hoàng Anh cần phải xác thực các thông tin như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, tài khoản Zalo và các nội dung đăng lên. Sản phẩm đăng bán được yêu cầu chỉ là những sản phẩm thiết yếu theo quy định. Ghi nhận của Zing cho thấy giá bán các sản phẩm trên nền tảng ở mức ổn định.

Ở góc độ người mua hàng, sau khi lựa chọn mục "Đi chợ gần nhà", ứng dụng sẽ hiển thị các điểm bán trên bản đồ khu vực người dùng sinh sống. Ngoài ra, người mua cũng có thể tìm kiếm những điểm bán có sản phẩm mình cần dựa trên danh sách.

Sau khi lựa chọn điểm bán có những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, người mua có thể trực tiếp nhắn tin với người bán hàng để trao đổi thêm.

Nhiều cách thanh toán

Phương thức thanh toán cũng như phương thức giao hàng trên nền tảng tùy thuộc theo nhu cầu và khả năng đáp ứng của hai bên. Việc giao hàng chủ yếu được thực hiện thông qua đơn vị giao hàng trung gian hoặc nhân viên của các điểm bán.

Chị Đỗ Phương Chi - một người đã mua hàng trên Zalo Connect - cho biết khi liên lạc với một điểm bán gần nhà tại quận Bình Thạnh, chị chỉ cần cho biết mình muốn mua những thực phẩm gì, người bán sẽ nhanh chóng lên đơn và báo phí giao hàng.

"Tôi đã đặt mua rau và trái cây cho gia đình với số lượng đủ dùng trong 4 ngày. Cả đơn hàng có giá khoảng 300.000 đồng đã bao gồm cả chi phí vận chuyển. Với cách đặt hàng này, tôi có thể nhận được đơn hàng đầy đủ trong ngày hôm sau hoặc trong vòng 2 ngày kể từ khi đặt hàng", chị Chi chia sẻ.

Đánh giá về các phương thức thanh toán, anh Huỳnh Quốc Anh (quận 7) cho biết tùy vào nhu cầu của mỗi người, các điểm bán có thể nhận chuyển khoản trước hoặc trả tiền trực tiếp sau khi nhận được hàng.

Nguoi dan TP.HCM 'di cho' tren Zalo anh 4

Tính năng đi chợ hộ trên Zalo Connect góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân trong giai đoạn giãn cách. Ảnh: Chí Hùng.

"Do muốn hạn chế tiếp xúc trực tiếp và cũng không muốn rủi ro khi mua hàng trên mạng, tôi thường đợi điểm bán giao hàng đến rồi chuyển khoản ngay khi nhận được thực phẩm mình đã đặt mua. Tôi đã mua thử thịt bò, thịt heo và cá tại một điểm bán tại phường với chất lượng khá tốt", anh Quốc Anh nói thêm.

Hiện nay, tính năng "Đi chợ hộ và cung cấp hàng thiết yếu" đã được mở cho 45 tỉnh thành đang triển khai Zalo Connect. Mặc dù mới được đưa vào sử dụng từ ngày 25/8, tính năng đi chợ trên Zalo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều đơn vị bán hàng cũng như người dân có nhu cầu mua thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các khu vực đang giãn cách.

Ngoài ra, tại TP.HCM, một số nền tảng ứng dụng đã đăng ký tham gia vào hoạt động đi chợ hộ nhằm kết nối các đơn vị cung ứng hàng hóa với người dân trên địa bàn TP.

 
 
Theo zingnews.vn
back to top