"Người đàn ông không thể ôm con" sau tai nạn phỏng điện đã được lắp hai tay giả!

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi được gắn tay giả, nếu bệnh nhân sớm thích ứng tốt và tập luyện tích cực, có thể ra viện trước Tết và tập vận động tại nhà.
Bệnh nhân Tạ Công Hậu được lắp hai tay. Còn vài bước cuối cùng anh sẽ được đón Tết và ôm con gái vào lòng.

Bệnh nhân Tạ Công Hậu được lắp hai tay. Còn vài bước cuối cùng anh sẽ được đón Tết và ôm con gái vào lòng.

Cơ vai của Tạ Công Hậu đã được các bác sĩ và kỹ thuật viên của Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM hướng dẫn phục hồi khá tốt đủ để hỗ trợ nâng đỡ hay chi tay giả.

BS Phạm Khánh Tân, Bác sĩ điều trị thuộc khoa Phục hồi Chức năng - Vật lý Trị liệu, Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM, cho biết, tập để sử dụng tay giả cầm nắm cơ bản chỉ cần 2 tuần, bệnh nhân sẽ quen rất nhanh. Tuy nhiên, để vận động linh hoạt hơn, bệnh nhân còn cần tập luyện thường xuyên và dài hơi. Thậm chí, nhiều bệnh nhân tham gia hoạt động trị liệu kéo dài khoảng 3, 4 năm.

Theo BS Phạm Khánh Tân, khuỷu tay trái của Hậu hiện gập lên bị giới hạn, chỉ được khoảng 90% so với bình thường do cơ và gân bị co rút sau tai nạn phỏng điện, bên cạnh đó bệnh nhân lại nằm lâu không được vận động thích hợp trước khi đến bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM. Một số trường hợp nằm lâu mà không được hướng dẫn tập vật lý trị liệu thường sẽ trở nên cứng khớp, giảm độ đàn hồi, hạn chế vận động. Tập vật lý trị liệu sớm, các kỹ thuật viên sẽ giúp kéo giãn khớp từ từ, đỡ bị dính.

Chuyên gia của Cty Ottobock Việt Nam đang chỉnh sửa lại phần tay giả cho Hậu.

Chuyên gia của Cty Ottobock Việt Nam đang chỉnh sửa lại phần tay giả cho Hậu.

Ngoài ra, hiện chân của bệnh nhân Tạ Công Hậu vẫn còn tê, đau và ngứa. Phần da bị tổn thương do phỏng điện vẫn còn mỏng và nhạy cảm, bệnh nhân sẽ phải chờ phần da dày lên bớt nhạy cảm. Tùy người, quá trình này có thể kéo dài 2 năm, các mô máu sẽ tới nhiều hơn, mang theo các sợi collagen, tạo mô liên kết giúp bền cứng thành da như một dạng sẹo lồi.

Tạ Công Hậu đang đi những bước cuối cùng để quay về cuộc sống bình thường, tự đi và tự sinh hoạt bằng chính đôi chân và đôi tay của mình, tái hòa nhập cộng đồng.

Chia sẻ hạnh phúc cùng bệnh nhân Tạ Công Hậu, nhà báo Bùi Hương, Trưởng Cơ quan Thường trú Báo KH&ĐS tại TPHCM cho biết: "Đây là thành quả từ các nỗ lực của Báo KH&ĐS, sự hỗ trợ của tập thể cán bộ y tế Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM cùng sự chung tay của những mạnh thường quân. Tất cả đã giúp nâng đỡ và mang lại niềm hy vọng cho Hậu quyết tâm quay lại với cuộc sống bình thường".

Theo Theo KH&ĐS
back to top