Người coi đình Nam Hương

Nếu may mắn gặp được những người tận tâm, hay nhắc nhở như người coi đình Nam Hương, thì  ý thức của mỗi người khi vào đình, chùa nói riêng và trong cuộc sống nói chung, sẽ ngày một tốt hơn.

Ông Nguyễn Kháng Chiến- người coi đền Nam Hương.

Ngôi đình trên tầng hai

Nằm trong quần thể di tích xung quanh Hồ Gươm, đình Nam Hương tuy có vị trí và quy mô kiến trúc khiêm tốn nhưng lại góp phần làm chứng tích cho lịch sử và huyền thoại hồ Gươm. Và đặc biệt tại đây, có một vị thủ từ rất lý thú.

Có hai lối vào đình Nam Hương, từ phố Hàng Trống hoặc từ đường Lê Thái Tổ qua khu tượng đài vua Lê. Đi từ phía phố Hàng Trống, đến số 75, vì đã được dặn trước nên tôi mới nhìn thấy cổng đình Nam Hương. Chứ bình thường, vội vã đi qua đây, có khi nhiều người không để ý nên không thấy.

Theo lối đi lát gạch, phía bên tay trái là bức tường xi măng xám, vào trong là một cái sân rộng. Đây mới là mặt trước của ngôi đình trông ra Hồ Gươm, ngay trước đó là khu tượng đài vua Lê.

Đây cũng là một trong những nét đặc biệt của đình Nam Hương, ngôi đình nằm trên tầng hai. Tầng một quay mặt ra phố Hàng Trống chính là văn phòng Đảng ủy quận Hoàn Kiếm, mặt sau là bức tường kín có một bàn viết thư pháp. Theo lối cầu thang lên tầng hai mới là gian thờ.

Ông Nguyễn Kháng Chiến, Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình Nam Hương cũng không hiểu tại sao các cụ lại xây dựng đình như vậy, có lẽ là do đất chật. Sống ngay gần đấy nhưng ông cũng chỉ nhớ sau năm 1954, đã thấy tầng dưới là HTX  may mặc.

Đình Nam Hương được xây dựng từ cuối thời Lê Trung hưng, ban đầu là tại khu vực khách sạn Phú Gia bây giờ. Là một trong hai ngôi đình của dân làng Tự Tháp.

Đến thời Pháp thuộc, chính phủ Pháp lấy đất xây công sở đã xây trả lại cho dân làng ngôi đình trên tầng hai tại vị trí ngày nay. Đình thờ năm vị Thượng đẳng thần là thần Bạch Mã (Long Đỗ), Thần Cao Sơn, Thần Linh Lang, Công chúa A Duy (Kha Duy Tĩnh) và Dương Tu, sau này thêm tượng thờ vua Lê Thái Tổ.

Năm 1995, đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, được trùng tu và bổ sung vào cụm di tích Hồ Gươm.

Muốn nghiêm phải có nội quy

Nằm ngay trung tâm Hà Nội, cạnh Hồ Gươm, nhưng ngôi đình luôn giữ được vẻ yên tĩnh, không xô bồ. Có được điều đó là do những người quản lý ở đây đã luôn có ý thức giữ gìn bản sắc, sự tôn nghiêm.

Bác Nguyễn Thị Thuận, là thủ nhang của đình cho biết, đến đây chủ yếu là khách du lịch, còn ngày rằm, mùng Một thì dân quanh đây vẫn đến lễ. Tuy đã 84 tuổi, nhưng bác vẫn rất trẻ trung, vui vẻ. Bác bảo đó là nhờ được phục vụ ở đình, giúp mọi người lễ, được việc họ vui thì mình cũng vui. Trẻ thì vui nhà, già thì vui chùa.

Còn với ông Nguyễn Kháng Chiến, làm công việc này quan trọng nhất là làm sao giữ được vẻ tôn nghiêm, cổ kính, yên tĩnh và sạch sẽ. Vì thế các đồ thờ trong đình ông tuyệt đối không dùng đồ ngoại lai, từ đèn thờ cũng không dùng đèn nhấp nháy, chỉ thắp đèn đỏ cho ấm cúng. Nền nhà cũng được trải thảm đỏ. Một nét đặc biệt nữa của đình Nam Hương là hậu cung lúc nào cũng mở để mọi người tự do ra vào làm lễ.

Đình Nam Hương hiện vẫn giữ được các di vật cổ như kiệu, long ngai, bài vị, hoành phi, câu đối, cửa võng, bảng văn, phỗng thờ… Đặc biệt, tại đây còn bảo lưu được 19 đạo sắc phong thần có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn. Hệ thống các hoành phi, câu đối đều đã được dịch ra chữ quốc ngữ.

Theo ông Chiến, muốn giữ tôn nghiêm, muốn người ta tuân thủ thì trước tiên mình phải có nội quy, ghi rõ những điều quy định. Đa phần những người đến đây đi lễ đều thành tâm. Tuy nhiên, nhiều khi cũng gặp phải những người thiếu ý thức thì mình phải nhắc nhở. Ví dụ như các bà các cô ăn mặc thiếu nghiêm túc, váy ngắn… thì mình phải nhắc nhở, mặc như thế không nên vào lễ.

Hàng năm vào những dịp lễ, tại đình Nam Hương thường tổ chức tế lễ vào ngày sinh, ngày hóa của các vị thần và rước kiệu, long ngai, bài vị của công chúa từ đình sang đền Ngọc Sơn. Đặc biệt, vào ngày 25 tháng Chạp tại đình có tổ chức Lễ sắp ấn, tức là cất ấn đi, báo hiệu các quan và việc quan từ nay nghỉ Tết.

Người hay nhắc

Trước đây ông Chiến công tác trong ngành giao thông. Được giao công việc trông coi đình từ năm 2009, đến nay ông bảo thấy người người khỏe khoắn và thanh thản, vì được làm công việc trông nom nơi này cho mọi người đến tham quan và làm lễ. Có nhiều người đến đây là hạnh phúc rồi. Nhưng lắm lúc cũng phải cương quyết và cứng rắn.

Ông kể, có ông vào nơi thờ mà vẫn quay phim chụp ảnh, nhắc thì lại sừng sộ lên bảo vào Hoàng thành vẫn được chụp ảnh nữa là vào đây. Thế là phải giải thích, chỗ nào không biết, nhưng ngoài kia đã có quy định ghi rõ, vì vậy đề nghị ông tuân thủ. Ông ta to tiếng, nhưng sau một hồi đi quanh đình, lúc trở lại đã vui vẻ nhận lỗi.

Lại có trường hợp có bà đến lễ cứ nhận mình là Thánh, rồi gây huyên náo cả lên. Ông lại phải nhắc, bà đến đây lễ ai. Nếu bà là Thánh, không cần lễ ai nữa thì mời bà đi nơi khác. Lúc đầu cũng găng lắm, nhưng ông cứ nhẹ nhàng, đúng lý mà nói thì họ cũng phải nghe.

Có người lại còn lôi hết người này người khác ra dọa sẽ đuổi, không cho ông làm nữa. Nhưng ông bảo, công việc này tôi muốn cũng chả được, mà không muốn cũng chả được. Mọi người tín nhiệm giao việc thì mình phải làm cho hết trọng trách. Mà trách nhiệm của mình là giữ gìn an ninh trật tự nơi này, mọi người tự do đến tham quan, làm lễ, nhưng phải tuân thủ quy định của đình.

Đúng là ở nhiều địa phương, nơi thờ cúng linh thiêng trở thành xô bồ, buôn thần bán thánh. Hòm công đức để khắp nơi, tiền lễ rải khắp các ban thờ, ra cả bệ tượng, gốc cây… rất mất mỹ quan.

Còn ở đây, tôi chỉ thấy có duy nhất một hòm công đức. Còn có ai đặt tiền lễ trên ban thờ ông Chiến đều phải nhắc bỏ tiền vào hòm. Vì cũng đã có trường hợp  kẻ gian vào tráo tiền lễ, đặt một đồng rồi lấy tờ 10.000đ. Ông cũng không làm to chuyện, cũng chưa đáng phải báo công an, ông chỉ nhắc khẽ họ lần sau đừng làm như thế mà phải tội.

Nghe chuyện ông kể, mới thấy công việc của người trông đình không đơn giản là trông nom về tài sản, vật chất, mà còn là giữ gìn sự tôn nghiêm của nơi này.

Mà tôi để ý thấy ông nhắc rất khéo. Khi vào đình phải bỏ giày dép ở bên ngoài, lúc ra tôi vô ý quay lưng vào trong, cúi xuống để đi giày, ông nhẹ nhàng chỉ cái ghế gần đấy và nhắc phải quay người lại.

Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng nếu không có người nhắc thì mình sẽ vô ý phạm lỗi mà có khi cũng không biết là mình mắc lỗi. Được nhắc nhở rồi, lần sau chắc chắn mình sẽ không phạm phải lỗi đó nữa.

Còn rất nhiều điều nho nhỏ như thế trong cuộc sống mà nhiều khi chúng ta không biết, không để ý. Nếu may mắn gặp được những người tận tâm, hay nhắc nhở như người coi đình Nam Hương này, thì tôi tin rằng ý thức của mỗi người khi vào đình, chùa nói riêng và trong cuộc sống nói chung, sẽ ngày một tốt hơn.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
back to top