Người có tâm với việc họ

Chúng ta nói nhiều đến việc giữ gìn truyền thống, nhưng cụ thể đó là những gì thì không phải ai cũng biết. Là người có tâm với việc họ, những việc mà ông Nguyễn Trí Tảo đã làm với dòng họ mình là một cách để giữ gìn truyền thống, gia phong.

Ông Nguyễn Trí Tảo trong sân ngôi nhà thờ dòng họ Nguyễn Trí (Sơn Đồng, Hà Nội).

Có tâm mới giữ được lễ

Tôi được theo ông Tảo về quê ông, xóm Đồng (Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) vào hôm trong họ có giỗ. 84 tuổi, ông vẫn một mình đi mấy chặng xe buýt về quê như thế.

Chỉ có giỗ cha, mẹ là làm ngoài Hà Nội, còn giỗ tổ, giỗ các cụ, giỗ ông bà, những người trong họ, rồi ngày Tết, ngày lễ… ông đều về đủ. Lại có những dịp trong họ có việc, tất cả các con trai đều phải về. Đó là quy định của họ.

Xong việc, ông đưa tôi sang nhà thờ tổ họ Nguyễn Trí, ngôi nhà thờ đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 2010.

Không hoành tráng, phô trương, ngôi nhà nhỏ ẩn mình trong cây lá, giàn gấc sai trĩu quả, cái sân gạch đỏ, hai tấm bia đá mô phỏng theo bia đá ở Quốc Tử giám có ghi danh hai vị Tiến sĩ đã làm vẻ vang cho dòng họ, tủ đựng quần áo tế, gian thờ… Tất cả toát lên vẻ nghiêm cẩn và được coi sóc chu đáo.

Tại đây, tôi còn được gặp cháu dâu trưởng của họ Nguyễn Trí. Nhà cũng ở ngoài Hà Nội, nhưng không kể những lúc có việc họ, cứ ngày rằm, mùng một chị đều về đây dọn dẹp, thắp hương.

Ông Tảo bảo, phải là người thực sự có tâm mới giữ lễ được như thế. Người trẻ bây giờ bận rất nhiều việc, việc gia đình, việc xã hội… nên chỉ một lần ngại, vài lần quên, mấy lần bận không về là tình cảm sẽ nhạt đi. Mà mất đi mối liên hệ với quê là mất đi nhiều thứ lắm. Đâu phải chỉ là bữa cỗ, là chén rượu…, mà đấy là dịp để anh em, họ hàng, con cháu được gặp nhau, để thêm gần gũi, gắn bó.

Dòng họ Nguyễn Trí ở Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) là một trong 20 dòng họ ở địa phương, nổi tiếng hơn 300 năm nay với hai vị tiến sĩ Nguyễn Trí Cung (1678-1746) làm đến chức Giám sát Ngự sử đời Lê Hy Tông và Tiến sĩ Nguyễn Trí Vị (1670- 1744) làm quan đến chức Hiến sát sứ rồi Hàn lâm viện đãi chế, Hàn lâm viện thừa chỉ đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu đời Lê Dụ Tông, sau cụ về làm Tế tửu Quốc tử giám (hiệu trưởng). Đời nay họ Nguyễn Trí có 4 Tiến sĩ, 37 thạc sĩ, cử nhân và nhiều doanh nhân.

Người cao tuổi phải bảo ban con cháu

Ra Hà Nội sinh sống từ những năm 60, nhưng chưa bao giờ ông Tảo xao nhãng việc trong họ. Đó một phần cũng là truyền thống của quê ông, các dòng họ thi đua nhau giữ nề nếp, đoàn kết. Mà tình cảm ở quê thì chân thật lắm.

Nhà ai có công có việc, mọi thành viên trong họ đều đến giúp đỡ chu đáo. Trong họ còn có ban đại diện, có việc gì, ban đại diện bàn bạc, sau đó thông qua các cụ bề trên, thống nhất toàn gia tộc rồi mới đem ra thực hiện.

Chính quyền địa phương cũng rất tạo điều kiện để các họ phát huy truyền thống. Như ngày 20/11 năm nay đã tổ chức gặp mặt những cựu giáo chức ở khắp mọi miền.

Theo ông Tảo, muốn giữ được truyền thống, gia phong thì chính những người cao tuổi phải chủ trì, phải bảo ban con cháu. Mình phải làm trước thì con cháu mới nhìn mà học theo.

Như trong gia đình nhỏ của ông (nói là nhỏ nhưng cũng có tới 36 thành viên) cũng có những quy định nghiêm ngặt, như ngày giỗ, ngày Tết, ngày sinh nhật phải có mặt đông đủ.

Những ngày lễ chỉ của riêng gia đình nhà mình thôi, nhưng nếu được coi trọng, được tổ chức thường xuyên, sẽ tạo thành nếp để con cháu làm theo. Còn nếu cứ xem nhẹ, lúc làm lúc không, ai vắng mặt cũng được, thì sự gắn bó trong gia đình sẽ lỏng lẻo.

Trong căn phòng khách của ông Tảo có treo bức ảnh thật to, cả gia đình mặc đồng phục. Chỉ một việc rất nhỏ như thế thôi, nhưng nó thể hiện một sự gắn bó, đoàn kết.

Hai vị tiến sĩ nổi danh của dòng họ

Ông Nguyễn Trí Tảo là đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Trí ở Sơn Đồng. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã rất quan tâm đến công việc trong họ, đặc biệt là truyền thống vẻ vang của dòng họ với 2 vị Tiến sĩ nổi danh Nguyễn Trí Cung và Nguyễn Trí Vị cùng 30 vị đỗ Tam trường, nhị trường, tú tài, thi hương…

Là một nhà giáo, ông Tảo đã dành nhiều công sức đến các thư viện để sưu tầm tư liệu về 2 cụ Tiến sĩ của dòng họ mình. Thật bất ngờ khi ông tìm thấy được 3 bài thi của Tiến sĩ Nguyễn Trí Cung, trong đó có một bài thi đỗ Hội nguyên (đỗ đầu khoa thi Hội cả nước) cùng với một số văn bia ở Quốc Tử giám.

Ông đã viết thành cuốn Truyền thống họ Nguyễn Trí xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây in năm 2003.

Sau khi cuốn sách ra đời, họ Nguyễn Trí đã làm lễ kỷ niệm 300 năm thi đỗ tiến sĩ của cụ Nguyễn Trí Cung. Được phân công trong ban sưu tầm thân thế sự nghiệp Tiến sĩ Nguyễn Trí Cung, ông Tảo đã nghĩ đến việc phải tuyên truyền rộng rãi trong dòng họ về tài đức của cụ. Và ông đã viết Truyện ông Nghè họ Nguyễn Trí để cung tiến dòng họ làm phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi trong họ.

Đặc biệt, sau khi nhờ dịch các sắc phong (trong đó có sắc phong ngày 17 tháng 5 năm Vĩnh Hựu thứ ba -1738) vẫn được lưu giữ trong nhà thờ họ, ông được biết tiến sĩ Nguyễn Trí Vị đã có thời gian làm Tế tửu Quốc Tử giám, nhưng trong danh sách các vị từng làm Tế tửu Quốc Tử giám lại không có tên cụ.

Sau hành trình dài dằng dặc tìm tư liệu rồi làm việc với viện Hán nôm, với các cơ quan quản lý, nhân dịp tu tạo lại Văn miếu, tên cụ Nguyễn Trí Vị đã được bổ sung vào danh sách các vị Tế tửu Quốc Tử giám.

Trong quá trình tìm hiểu về dòng họ, ông nhận thấy cuốn gia phả được các cụ dịch ra chữ quốc ngữ còn quá đơn giản, các con các cháu sau này có xem đến cũng chẳng học tập được gì ngoài một số thông tin ít ỏi.

Từ ý nghĩ ấy, ông Tảo đã bỏ công sưu tầm thêm nhiều tài liệu, vận động mọi người trong họ tìm thêm thông tin. Gia đình nào tự viết gia phả của gia đình ấy. Sau một thời gian tập hợp rồi chắt lọc, cuối cùng cuốn gia phả tương đối đầy đủ của nhánh họ nhà ông đã được ra đời năm 1993.

Tôi đã được đọc những trang tự bạch mà ông viết cho các con, rất chân thực và cảm động. Qua đó mới thấy cái tâm của ông với tổ tiên, với truyền thống, gia phong.

Ông tâm sự: Viết được một quyển sách, trồng được một cái cây, cung tiến cho đình chùa đôi câu đối hay bức hoành phi… chính là lưu lại chút gì cho đời sau.

Tôi rất thích câu nói của người xưa mà ông đưa vào trang đầu tiên của cuốn Truyền thống dòng họ Nguyễn Trí : «… Tổ tiên có cái hay, mà không biết là người không minh, biết mà không truyền lại về sau là người không tốt».

Với tâm nguyện đó, ông đã làm hết sức mình để truyền lại cho đời sau truyền thống vẻ vang của gia tộc, để con cháu biết tự hào và phát huy, làm rạng danh dòng tộc.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
back to top