Người cao tuổi cẩn thận huyết áp thấp

Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người  thiếu máu, bị nhiễm trùng nặng, người bị các vấn đề tim mạch, nội tiết… đều có nguy cơ mắc bệnh huyết áp thấp.

Nhiều người cho rằng, huyết áp cao mới đáng lo vì dễ gây tai biến mạch máu não nhưng thực tế, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh nguy hiểm này.

Thay đổi tư thế đột ngột, sau ăn no huyết áp hạ

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, huyết áp thấp được định nghĩa là huyết áp tâm thu <90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương <60 mmHg. Bệnh lý này có thể là tình trạng nguy hiểm vì có thể làm chúng ta ngã, do đó dễ gây ra tai nạn. Ngoài ra, huyết áp thấp nghiêm trọng có thể gây tổn thương cho não và tim.

Nguyên nhân của huyết áp thấp có thể từ các vấn đề mất nước, thiếu dinh dưỡng, đang mang thai cho đến các bệnh lý như tim mạch, nội tiết, mất máu, nhiễm trùng huyết, dị ứng nặng hoặc do thuốc. Các triệu chứng dưới đây có thể gặp khi huyết áp thấp: Chóng mặt, ngất, mất tập trung, rối loạn thị giác, buồn nôn, da xanh, tay chân lạnh, thở nhanh nông, mệt mỏi, biểu hiện trầm cảm hoặc khát nước.

Nguy hiểm nhất trong bệnh huyết áp thấp là khi huyết áp giảm đột ngột, não bị thiếu một nguồn cung cấp máu sẽ dẫn đến chóng mặt, đầu óc quay cuồng. Khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng, huyết áp thay đổi, đây là một loại huyết áp thấp thường được biết đến là hạ huyết áp tư thế.

Tình huống này thường gây ra do mất nước, nằm trên giường lâu ngày, đang mang thai, bỏng, ở trong môi trường quá nóng, đái tháo đường, giãn tĩnh mạch nặng, bệnh tim, các rối loạn thần kinh hoặc do thuốc. Theo ước tính, có khoảng 10-20% những người từ 65 tuổi trở lên bị bệnh huyết áp tư thế. Đó là do sự hư hại của hệ tim mạch, hệ thần kinh chịu trách nhiệm giúp cơ thể thích ứng với những sự thay đổi đột ngột.

 Huyết áp thấp sau ăn no còn gọi là hạ huyết áp sau ăn: Chủ yếu ở người cao tuổi, đặc biệt nếu có bệnh lý tăng huyết áp hoặc bệnh Parkingson kèm theo. ở người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể lão hóa và suy giảm, không thể kiểm soát huyết áp hiệu quả. Ảnh hưởng của tuổi tác khiến cơ thể khó đáp ứng với những thay đổi về huyết áp cấp tính.

Quá trình tiêu hóa đòi hỏi sự phối hợp của tuần hoàn, thần kinh và hệ thống tiêu hóa. Vì vậy người bị rối loạn hệ thần kinh như bệnh Parkingson, rối loạn nội tiết như tiểu đường, thuyên tắc phổi…đều có nguy cơ tụt huyết áp sau ăn.

 Huyết áp thấp qua trung gian thần kinh thường gặp ở người trẻ, khi bệnh nhân đứng khá lâu; Hội chứng Shy-Drager: Gây ra do thương tổn tiến triển của hệ thần kinh tự chủ, đặc trưng của hội chứng này là tụt huyết áp khi đứng nhưng khi nằm huyết áp lại tăng rất cao, đi kèm với run cơ, vận động chậm, rối loạn vận ngôn và tiêu tiểu không tự chủ.

Biện pháp đơn giản giúp tăng huyết áp

Theo các chuyên gia, hầu hết những người bị huyết áp thấp đều không cần thuốc hoặc những can thiệp y tế để tăng huyết áp. Có rất nhiều cách tự nhiên và thay đổi lối sống để tăng huyết  áp như: Ăn thêm muối, tránh đồ uống có cồn. Rượu có thể làm giảm huyết áp, vì vậy những người có huyết áp thấp nên tránh uống rượu.

Đối với những người có các triệu chứng huyết áp thấp thì bắt chéo chân có thể giúp tăng huyết áp nhẹ. Nên uống nhiều nước để có thể giúp tăng lượng máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra huyết áp thấp. Người hạ huyết áp sau ăn không nên ăn dồn, ăn quá no trong một bữa, ngược lại nên chia các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn trong ngày do các bữa ăn nhỏ hơn giúp ngăn ngừa giảm huyết áp.

Nên tránh thay đổi tư thế đột ngột. Ngồi lên hoặc đứng lên nhanh có thể gây ra cảm giác chóng mặt hoặc ngất xỉu ở những người có huyết áp thấp. Trong trường hợp này do tim không bơm đủ máu qua cơ thể đủ nhanh khi có sự thay đổi đột ngột về tư thế hoặc độ cao, vì vậy các động tác đứng lên ngồi xuống nên thay đổi từ từ để cơ thể kịp thích nghi.

Mi Anh

Theo Đời sống
back to top