Người bệnh tiểu đường cẩn thận khi dùng sâm

(khoahocdoisong.vn) - Nhân sâm tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, thường phải dùng thuốc kéo dài.

Bà Nguyễn M.H. (68 tuổi, Hà Nội) phải vào viện cấp cứu vì đột nhiên ngất xỉu, hôn mê. Người nhà cho biết, bà bị bệnh tiểu đường phải tiêm insulin, mới đây nghe nói nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết nên bà mua về sử dụng. Nào ngờ mới sử dụng được 2 hôm thì bà ngất xỉu.

Bác sĩ nói việc tiêm insulin kết hợp dùng nhân sâm đã khiến đường huyết hạ đột ngột gây hôn mê.

Lời bàn: BS Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, nhân sâm tốt nhưng không phải ai cũng có thể dùng, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, thường phải dùng thuốc kéo dài. Lý do là vì nhân sâm làm tăng chuyển hoá đường, tăng khả năng xâm nhập đường vào trong tế bào và dự trữ đường trong gan, vì thế có tác dụng hạ đường máu rất mạnh.

Nếu chỉ sử dụng đơn lẻ thì tác dụng tốt, nhưng khi kết hợp với các loại thuốc làm hạ đường máu thì lại sinh ra tình trạng quá liều gây tụt đường huyết mức độ nặng. Biến chứng này thường xuất hiện sau khi dùng thuốc khoảng 1 - 2 giờ (thường gặp nhất ở bệnh nhân tiêm insulin vào dưới da).

Vì vậy, không dùng nhân sâm khi đang điều trị tiểu đường, vì định lượng hạ đường máu của nhân sâm rất khó xác định rõ ràng (phụ thuộc tuổi của sâm) nên rất khó để có sự kết hợp hợp lý để tránh nguy cơ. Nếu đã lỡ dùng gần nhau, bạn nên nằm yên trên giường (để tránh ngất xỉu khi đang đi lại, gây té ngã, chấn thương); để sẵn một cốc nước đường nhỏ dự phòng, khi thấy hoa mắt, mặt mũi tối sầm do tụt đường huyết thì kịp thời bổ sung.

Theo Đời sống
back to top