Ngứa tai chăm ngoáy thành mang bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Ngứa tai nếu thường xuyên ngoáy tai và tìm mọi cách để móc, lấy ráy ra gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập.

Bà Đỗ Thanh Vân, 62 tuổi (Hà Nội) có thói quen ngoáy tai ở mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi thứ như chìa khoá, tăm xỉa răng, bông...Bởi bà luôn luôn cảm thấy ngứa tai và chỉ bằng cách ngoáy mới cảm thấy dễ chịu. Nhưng càng ngoáy bà lại càng ngứa, sau đó đau tức trong tai và khi đau nhức nhối cả đầu không chịu được bà phải đi khám. Kết quả bà bị viêm ống tai ngoài mà nguyên nhân theo bác sĩ giải thích lại bắt nguồn từ thói quen thường xuyên ngoáy tai của bà.

Lời bàn: Nhiều người cho rằng ráy tai là nguyên nhân gây ngứa tai nên thường xuyên ngoáy tai và tìm mọi cách để móc, lấy ráy ra mà không biết ngoáy nhiều gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Hơn nữa, việc ngoáy tai có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai ngoài, thậm chí áp sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai, nghe kém. Đặc biệt, viêm ống tai ngoài là biến chứng thường gặp nhất khi ngoáy tai thường xuyên. Biểu hiện người bệnh ngày càng ngứa tai và càng ngoáy sau đó có biểu hiện đau tức ống tai, lan lên đầu, đau giật nửa đầu, thậm chí sốt, sưng tấy nửa mặt...Vì vậy, khi bị ngứa tai chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai và và day day vào nắp tai, không nên vội ngoáy tai. Nếu ngứa không giảm thì dùng 1 số thuốc nhỏ tai vào ống tai sau 5 – 10 phút, nghiêng đầu về bên tai bệnh cho thuốc còn thừa chảy ra, dùng tăm bông khô sạch thấm nhẹ cho khô tai, không ngoáy. Sau 1 tuần không đỡ thì đến bác sĩ.
BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam Y Việt Nam)
 

Theo Đời sống
back to top