Ngộp thở vì ô nhiễm, người Mẫn Xá bị ung thư ngày càng nhiều

(khoahocdoisong.vn) - Là làng tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc, Mẫn Xá phải chịu hậu quả nặng nề bởi nạn ô nhiễm. Có người cho rằng nó là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt người dân mắc bệnh ung thư.

Điển hình về ô nhiễm

Cùng với nghề tái chế rác ở Văn Môn (Yên Phong - Bắc Ninh) đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương thì vấn nạn ô nhiễm cũng tăng theo số tiền mà họ thu được. Vào Văn Môn, người lạ sẽ liên tưởng ngay tới một công trường khổng lồ. Hàng chục cột khói bốc nghi ngút suốt đêm ngày, những đống rác to như núi với đủ loại phế phẩm lẫn tái chế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phế liệu sau khi tái chế sẽ tập kết rác về  bãi rác cuối làng Quan Độ, giáp ranh với xã Thụy Lâm (Đông Anh - Hà Nội).  Tại đây, có nhiều loại phế thải công nghiệp như vỏ nhựa dây điện, dây cáp, nhiều loại thiết bị điện hỏng…

Nghề đúc nhôm ở Mẫn Xá đem lại kinh tế nhưng kéo theo nhiều hậu quả.

Nghề đúc nhôm ở Mẫn Xá đem lại kinh tế nhưng kéo theo nhiều hậu quả.

Yên Phong là một huyện điển hình của tỉnh Bắc Ninh với các làng nghề đã được xác định về về mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Và trong đó, thôn Mẫn Xá của xã Văn Môn là khu vực được coi là trọng điểm và trở thành làng ung thư trong dự án nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề được công bố đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT thực hiện. Kết quả cho thấy, Mẫn Xá là một trong 37 làng ung thư của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, không khí.

Theo chính quyền xã Văn Môn, làng nghề Mẫn Xá đã có từ lâu đời. Hiện tại, Mẫn Xá có khoảng 800 hộ dân với gần 4 nghìn nhân khẩu và 300 lò đúc nhôm lớn nhỏ. Nhờ nghề đúc nhôm truyền thống mà người Mẫn Xá trở nên giàu có, đồng thời cũng thu hút nhiều lao động các nơi đổ về.

Lò đúc ngày càng tăng, mật độ dân số ngày càng đông và nghề ngày càng phát triển khiến cho Mẫn Xá ngộp thở trong khói bụi ô nhiễm. Vào Mẫn Xá là cuộn mình trong những làn khói đen sì bốc lên từ hàng trăm lò đúc nhôm chẳng qua xử lý, hàng nghìn tấn xỉ nhôm được đổ thẳng ra những cánh đồng bao quanh làng, phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, số lượng bụi lơ lửng vượt nhiều lần quy chuẩn, hóa chất ngổn ngang khắp mọi nơi, hàm lượng chì trong môi trường cao gấp hàng chục lần.

Theo số liệu sơ lược của UBND xã Văn Môn, trung bình mỗi năm thôn Mẫn Xá tái chế khoảng 10 nghìn tấn nhôm phế thải, và mỗi ngày một hộ làm nghề đun đúc từ hai đến ba tạ bột nhôm. Các chủ cơ sở tái chế nhôm ở Mẫn Xá cũng chẳng ngại ngần chia sẻ rằng, toàn bộ nhôm phải dùng bột chì để kéo ra, chứ không có cách nào khác. Một ngày làng nghề này phải sử dụng ít nhất trên 1 tấn bột chì.

Ngộp thở vì ô nhiễm

Thiếu công nghệ xử lý chất thải tại chỗ, diện tích chứa chất thải không đủ nên mọi phế thải của làng nghề, chủ yếu là xỉ nhôm đều được đưa ra cánh đồng. Hệ thống kênh mương giờ cũng thành đường dẫn nước thải đen đặc quánh, đến giếng cổ trong làng trước là nguồn nước sạch cho dân giờ cũng đã bốc mùi.

Dọc con đường dẫn ra nghĩa trang của xã Văn Môn, hai bên đường từng đống xỉ nhôm chất cao như núi và bốc mùi khó chịu. Cứ chỗ này đầy dân lại đổ chỗ khác, xung quanh thôn Mẫn Xá được bao bọc bởi ô nhiễm từ những đống xỉ nhôm và núi rác thải sinh hoạt ngày đêm âm ỉ cháy.

Rác thải tràn ngập hắp nơi tại Mẫn Xá.

Rác thải tràn ngập hắp nơi tại Mẫn Xá.

Người dân Mẫn Xá đều biết, làm nghề tái chế nhôm là nguy hại sức khỏe, nhưng vì kinh tế, họ đành bất chấp, xây dựng lò tái chế nhôm ngay trong khuôn viên nhà mình. Trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề, nhưng không một ai mặc đồ bảo hộ lao động, nếu có thì cũng chỉ là đeo một chiếc khẩu trang.

Những người lao động, sinh sống trong thôn Mẫn Xá như những bóng ma trong làn khói mờ đục. Có ngày bụi ô nhiễm quá nhiều là cho người ta không biết Mẫn Xá đang là đêm hay ngày, bụi, sương muối hay là khói đang bao phủ ngôi làng của họ.

Nỗi khổ sống ấy cứ dai dẳng bám riết không chỉ người dân Mẫn Xá mà cả xã Văn Môn. Mùa nóng đóng kín cửa, bật quạt vẫn bốc mùi; mùa mưa thì lênh láng rác thải khắp đường làng ngõ xóm. Đến cây cối trong làng còn héo úa, và cá tôm dưới kênh mương không còn con nào sống sót.

Giếng làng cũng bị nhiễm độc.

Giếng làng cũng bị nhiễm độc.

Kinh tế càng tăng, người chết càng nhiều

Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn nói rằng: “Lãnh đạo và các cơ quan ban ngành tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương. Năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá với diện tích 29.7ha, đến cuối năm 2018 mới đưa vào thi công”.

Ông Gia cũng cho biết thêm, trong làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, chỉ có duy nhất một công ty là có giấy tờ về môi trường, còn các hộ gia đình nhỏ lẻ khác đa số đều nhận nguyên liệu và gia công lại. Mỗi hộ đều xây một lò đúc nhôm riêng mang tính chất tự phát và theo hộ gia đình nên không một lò nào đảm bảo về môi trường.

Số liệu người chết vì ung thư ở Mẫn Xá từ năm 1994 – 2010 (thời điểm ít ô nhiễm).

Số liệu người chết vì ung thư ở Mẫn Xá từ năm 1994 – 2010 (thời điểm ít ô nhiễm).

Thực trạng ô nhiễm của Mẫn Xá đã gây ra những hậu quả đau lòng. Là 1 trong 37 làng ung thư ở nước ta khiến cho người dân Mẫn Xá càng thêm lo sợ. Nhưng sợ là một chuyện, lợi ích kinh tế lại là chuyện khác nên con số người chết vì ung thư ngày càng tăng.

Theo thống kê của Trạm y tế xã Văn Môn, mỗi năm, địa phương có trên dưới 20 người chết vì ung thư. Ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng đưa ra một số liệu sơ lược về làng Mẫn Xá từ năm 1994 – 2010 (thời điểm ít ô nhiễm) nhưng số người tử vong vì ung thư đã là 50 người. Số liệu mới từ 2010 đến nay là bao nhiêu? Ông Duy không dám chia sẻ, và cho biết là quá nhiều.

Số lượng xỉ nhôm được đổ trong phần diện tích đất thi công cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá ước tính lên tới 283 nghìn m3, UBND tỉnh Bắc Ninh dự tính chi 200 tỉ đồng để xử lý lượng xỉ thải này. Mới đây phía đơn vị thi công dự án đã đề xuất phương án san lấp tại chỗ, dự tính phải mất 5ha diện tích đất và đào sâu 10 mét thì mới chôn lấp được hết.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top