Ngôn quan Bùi Cầm Hổ – kỳ 3: Đi sứ không để bị mua chuộc

Tài đức của Bùi Cầm Hổ ngày càng được triều thần mến mộ, cũng có người muốn lợi dụng lời lẽ của ông để chống nhau, nhưng ông không bị mắc lừa. Các vua Lê thời ông phụng sự ngày càng nhận rõ vai trò can gián đúng đắn của quan Ngự sử trung thừa Bùi Cầm Hổ, càng tin cậy ông.

Đền thờ Bùi Cầm Hổ tại Đậu Liêu, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.

Đi sứ không để bị mua chuộc

Bùi Cầm Hổ có nhiều công lao trong hoạt động ngoại giao. Năm Quý Sửu (1433) Lê Thái Tổ sai ông cùng Trình Thuấn Du và Nguyễn Khả Chi đi sứ nhà Minh với trọng trách giữ mối hòa hoãn dài lâu, cho dân sự hưởng thái bình, nhà Lê được yên vị. Với tài ứng phó và vóc tướng uy nghiêm của ông, vua Minh phải tôn trọng đoàn sứ bộ của nước Nam và cũng nể vì khi ông khảng khái cự tuyệt lời mua chuộc của nhà Minh.

Thời gian làm An phủ sứ Lạng Sơn, Bùi Cầm Hổ đã góp phần quan trọng vào việc giữ hòa hiếu giữa hai nước, vùng biên giới được yên ổn.

Năm Mậu Ngọ (1438), sứ Minh sang báo tin địa phương Thái Bình (thuộc Quảng Tây ngày nay) nổi loạn, Bùi Cầm Hổ được cử cùng Lê Bá Kỳ sang sứ Minh, ông đã thẳng thắn tố cáo trước vua Minh việc thổ quan châu Tư Lãng phủ Thái Bình vượt biên lấn chiếm đất nước Nam.

Rồi năm Kỷ Tỵ (1449), có tin báo từ biên giới, hai ty Khâm sai và Tổng Liêu (Quảng Tây) đem binh mã cát cứ, kiểm soát bờ cõi biên giới. Bùi Cầm Hổ và Tư khấu Nguyễn Khắc Phục thị sát làm rõ tin giả, giải quyết ổn định vùng biên.

Công trình thủy lợi đầu tiên ở Nghệ An

Bùi Cầm Hổ có nhiều công lao với quê hương. Khi 70 tuổi, ông nghỉ việc triều đình, lui về quê sinh sống.

Kẻ Treo quê ông, hơi nắng một chút là khô hạn, hơi mưa một chút là ngập lụt, đất rộng mà dân vẫn nghèo. Trên Ngàn Hống thì bốn mùa cây cối tốt tươi. Khi mưa, nước trên Ngàn Hống cuồn cuộn chảy xuống đồng, chỉ một giờ mưa là cả Kẻ Treo thành ao nước. Hết mưa rồi thì đồng lại khô, thiếu nước để cày cấy.

Ông thấy ngay nguyên nhân đói kém của dân trong vùng là do thiếu nước làm ruộng, liền cất công tìm cách khơi nguồn nước cho dân. Ông chỉ đạo dân làng đắp một bờ đá chắn dòng Thác Bạc và đào một khe sâu dẫn nước theo dọc suốt cánh đồng. Nhờ đó trên một nghìn khoanh ruộng của cả một vùng rộng lớn đã có nước, đồng ruộng lúa khoai tươi tốt và dân làng khai khẩn thêm được đất hoang.

Đời sống nhân dân trong vùng ngày thêm no đủ, vui mừng vì được mùa liên tiếp. Kẻ Treo trở nên trù phú, dân làng dựng Nhà Trò cạnh khe nước, mở hội hát trò vui cả tổng.

Bùi Cầm Hổ đã mở ra một công trình mang đến ấm no cho dân cả vùng, thay đổi hẳn cuộc sống của bao nhiêu gia đình ở Độ Liêu và các vùng lân cận. Có lẽ đây là công trình thuỷ lợi đầu tiên ở đất Nghệ An – Hà Tĩnh. Do đó giá trị và ý nghĩa về công lao của Bùi Cầm Hổ lại càng to lớn.

Với những công lao phụng sự cả ba triều vua và đóng góp cho dân, Bùi Cầm Hổ đã được nhiều vị vua nêu công, được sử sách ghi lại với những lời kính trọng, đặc biệt là được nhân dân bao đời ghi sâu công đức và truyền tụng các sự tích về ông.

Nhân dân địa phương biết ơn Bùi Cầm Hổ. Khi ông mất lúc 93 tuổi, đã lập đền thờ ông ở dưới chân núi Bạch Tỵ.

Triều đình phong ông là Thượng đẳng phúc thần. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng Giêng, dân Đậu Liêu và các vùng xung quanh, cùng với con cháu hậu duệ họ Bùi ở các miền về tế lễ ở Điện Đô Đài, làm lễ Báo Ân tưởng nhớ công ơn của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ; danh thơm của Ngài còn lưu mãi với hậu thế.

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top