Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi

(khoahocdoisong.vn) - Ngô Văn Sở làm quan không cầu danh lợi. Ông là một trong "tứ kiệt" thời Tây Sơn, người có công phá Nguyễn, diệt Trịnh, đánh đuổi Mãn Thanh và giữ yên 11 trấn Bắc Hà.

Ông nội là thày dạy của Bùi Thị Xuân

Ngô Văn Sở  (-1795), còn có tên là Ngô Hồng Chấn và Ngô Văn Tàng là một danh tướng thời Tây Sơn. Ông sinh trưởng tại Bình Khê, Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; là con ông Ngô Văn Diễn giữ chức Kinh xa Vệ uý và bà Nguyễn Thị Mỹ. Ngay từ khi còn trẻ, Ngô Văn Sở là người giỏi võ và thông hiểu binh pháp.

Tổ tiên ông ở Trảo Nha huyện Thiên Lộc nay là huyện Can Lộc tỉnh  Hà Tĩnh, di cư vào huyện Sơn Tây lúc nào chưa rõ. Từ con đường nào, lúc nào ông đến với phong trào Tây Sơn cũng chưa ai biết. Nhưng nói đến công cuộc phá Nguyễn, diệt Trịnh, đánh đuổi Mãn Thanh xâm lược và giữ yên 11 trấn Bắc Hà dưới thời Nguyễn Huệ - Quang Trung thì không thể không nói đến vai trò của Ngô Văn Sở.

Tương truyền, ông nội Ngô Văn Sở là Ngô Mãnh, từng làm quan đến chức Đô Thống thời Trương Phúc Loan, trấn đóng nơi địa đầu Linh Giang và Trường Dục; tính cương trực không chịu luồn cúi nên bị Trương Phúc Loan tìm cách hãm hại vu cho tội thông đồng với Chúa Trịnh nên tước thu binh quyền, tịch thu gia sản và phải tội lưu đầy.

Ngô Mãnh trốn thoát cảnh ngục tù, một thân cùng cháu nhỏ Ngô Văn Sở không dám về quê, đành cải danh là Đặng Hải Siêu lâm bịnh, xin nương nhờ nơi vườn nhà Bùi Công ở thôn Xuân Hoà và được Bùi Công nuôi dưỡng tử tế. Một hôm vào nửa đêm, nhà Bùi Công bị cướp, Ngô Mãnh ra tay cứu trợ đánh tan bọn cướp. Bùi Công ân cần thăm hỏi, Hải Siêu đem tất cả sự thật ra giãi bầy. Từ đó ông trở thành thày dạy võ cho Bùi Thị Xuân…

Đầu quân Tây Sơn ngay từ buổi đầu

Sau 3 năm ẩn náu tại Bùi gia trang, Ngô Mãnh bị bạo bệnh qua đời, Ngô Văn Sở buồn rầu xin giã biệt Bùi Công xuống hạt Quy Nhơn và định cư tại Bình Thạnh, Tuy Viễn, Tuy Phước.

Ngô Văn Sở kết thân với Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và với Bùi Thị Xuân, ông đã là bạn cũ. Vào năm 1771, khi ba anh em Tây Sơn khởi binh, Ngô Văn Sở đến đầu quân ngay từ buổi đầu. Nhờ võ dũng và mưu lược, ông được Tây Sơn vương trọng dụng.

Trong cuốn Võ nhân Bình Định, các tác giả Quách Tấn và Quách Giao khẳng định: năm 1773, Ngô Văn Sở được cử làm Chinh nam Đại tướng quân cùng Lê Văn Lộc, Lê Văn Hưng đánh chiếm ba phủ Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Từ đó, Ngô Văn Sở trở thành một trong những tướng lĩnh cao cấp của Bộ chỉ huy quân Tây Sơn và ông đã có mặt trong trận tấn công vào Phú Xuân năm 1786.

Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân mang quân ra Nghệ An, hợp sức cùng Vũ Văn Nhậm tiến ra Bắc, diệt Nguyễn Hữu Chỉnh và các thế lực Lê - Trịnh chống đối. Ngô Văn Sở tỏ ra là một tướng cầm quân dũng cảm, mưu lược, đánh đâu thắng đấy. Năm 1878, khi Nguyễn Nhạc xưng đế đã phong Ngô Văn Sở chức Đại tư mã.

Sau khi diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại lộng quyền, tỏ ra kiêu ngạo và có ý mưu phản Tây Sơn. Đầu tháng 5/1788, Nguyễn Huệ đem quân ra diệt Vũ Văn Nhậm, phong cho Ngô Văn Sở làm Đại tư mã thống lĩnh quân đội, tổng  quản 11 trấn Bắc Hà. Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn, Học sĩ Ngô Thì Nhậm đều theo Ngô Văn Sở giữ Thăng Long.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top