Ngộ độc vì sừng tê giác

(khoahocdoisong.vn) - Sử dụng sừng tê giác chữa bệnh, bệnh không khỏi mà nguy cơ tử vong cận kề như trường hợp một bé gái phải nhập viện cấp cứu vừa qua ở TPHCM.

Tím tái vì uống sừng tê giác

Mới đây, bé NKAD, 22 tháng tuổi (ngụ tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng toàn thân xanh tím, sốt, mệt mỏi sau khi uống bột được mài ra từ sừng tê giác. BS Huỳnh Thị Ánh Tuyết, Khoa Hồi sức tích cực chống độc bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết sau khi thăm khám, chụp X-quang và siêu âm tim, các bác sĩ cấp cứu loại trừ nguyên nhân tím toàn thân là do tim, phổi mà nghi ngờ bé bị ngộ độc. Ngay lập tức, bé được làm xét nghiệm máu và kết quả thật bất ngờ khi nồng độ Methemoglobin rất cao, lên đến 30% (trong khi bình thường nồng độ chất này trong hồng cầu chỉ từ 0-3%). Methemoglobin là bệnh rối loạn máu, không còn khả năng vận chuyển oxy, gây thiếu oxy mô dù độ bão hòa oxy trong máu động mạch vẫn bình thường.

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho biết, bệnh Methemoglobin có thể do bị nhiễm độc từ các thành phần có trong sừng tê giác. Trong sừng tê giác, ngoài thành phần chính là chất sừng thì có nhiều thành phần không rõ tác dụng. Chất sừng, hay canxi này đi vào cơ thể nó cũng sẽ giống mọi loại chất khác, sẽ bị đào thải qua đường tiêu hóa. Trường hợp người nào đó có hệ tiêu hóa nhạy cảm thì rất dễ dị ứng và nhiễm độc. Trong khi đó, một số sừng tê giác bị cắt trộm từ các viện bảo tàng, nhà trưng bày… (đã qua ngâm tẩm chất bảo quản), đặc biệt hiện nay rất nhiều sừng tê giác giả có thể chứa trong nó những hoạt chất không tốt đối với sức khỏe con người.

Bà Trần Thanh Lan, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã WWF cho biết, từng có người bị nhiễm độc da dị ứng do uống sừng tê giác. Bệnh nhân uống sừng tê giác để chữa nhiệt miệng lâu ngày. Sau khi uống hai hôm, chị bắt đầu thấy xuất hiện các nốt mụn mủ và ban đỏ ở mặt, ngứa và đau rát, sau đó lan ra hai cánh tay, sốt nhẹ.

Dị ứng và nhiễm độc

Theo ông Trần Việt Hưng, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam, sừng tê giác có nhiều thành phần khá phức tạp với nhiều loại hoạt chất có nguồn gốc xa lạ với con người, nên hoàn toàn có nguy cơ gây các phản ứng dị ứng và nhiễm độc. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi sử dụng. Niềm tin vào công dụng chữa bách bệnh và thể hiện đẳng cấp khi sở hữu sừng tê giác khiến nhu cầu về sản phẩm này của người Việt ngày càng tăng dẫn đến tình trạng nhập lậu vào Việt Nam ngày càng lớn.

Khoa học ngày nay cũng mới chỉ xác định được một số chất chứa trong sừng như keratin, canxicarbonat, canxiphotphat, axid amin. Nước chiết có phản ứng alcaloid, chưa phát hiện được hoạt chất tác dụng. Xét về y học hiện đại thì không có cơ sở để nói sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh.

Theo Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm CITES Việt Nam, đa số sừng tê giác rao bán trên thị trường Việt Nam hiện nay là sừng giả. Các sừng này thường được làm từ nhựa cứng, từ sừng các loài gia súc hoặc từ tóc người với phương pháp rất tinh vi, khó nhận biết nên người sử dụng ngày càng đứng trước nguy cơ tự đưa chất độc vào cơ thể. Chính vì vậy, một nghiên cứu khoa học đầy đủ và chính xác về công dụng của sừng tê là điều nhiều người dân, giới khoa học và những nhà làm công tác môi trường đang đặc biệt mong chờ.

Theo Đời sống
back to top