Ngộ độc thịt ba ba

(khoahocdoisong.vn) - Thịt ba ba giàu chất dinh dưỡng, nhưng thịt không còn tươi có thể là “liều thuốc độc” cho cơ thể. Nhiều người mắc dị ứng ba ba có thể do cơ địa dị ứng, mẫn cảm với một số thành phần trong thịt ba ba. Hoặc thịt ba ba chết, chất đạm sẽ phân hủy, các acid amin chuyển hóa thành chất gây ngộ độc và có thể gây dị ứng cho người ăn.

Anh Phạm Hồng B. (TPHCM) đã từng ăn ba ba nhiều lần không bị dị ứng nên lần này bạn bè rủ anh đã không ngần ngại. Sau khi ăn ba ba được khoảng 30 phút thì anh thấy xuất hiện mẩn đỏ toàn thân, ngứa nhiều. Ngay sau đó, mắt sung huyết, đỏ 2 bên và đau bụng quanh rốn dữ dội. Những người ngồi cùng bàn không ai có biểu hiện gì, còn anh buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày lẫn thức ăn nhiều lần, có cảm giác tức ngực, khó thở và sẩn ngứa trên da. Ngay lập tức bạn bè đưa anh vào viện cấp cứu.

Lời bàn: PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia Dị ứng - Miễn dịch, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, anh B. bị ngộ độc thịt ba ba. Thịt ba ba giàu chất dinh dưỡng, nhưng thịt không còn tươi có thể là “liều thuốc độc” cho cơ thể. Nhiều người mắc dị ứng ba ba có thể do cơ địa dị ứng, mẫn cảm với một số thành phần trong thịt ba ba. Hoặc thịt ba ba chết, chất đạm sẽ phân hủy, các axit amin chuyển hóa thành chất gây ngộ độc và có thể gây dị ứng cho người ăn. Anh B. sau đó được chỉ định làm nhiều xét nghiệm, thăm dò chức năng để phát hiện thêm các bất thường khác.

Sau khi được xử trí cấp cứu, anh B. đã dần trở lại trạng thái bình thường, bớt ngứa, giảm mần đỏ và không còn nôn, khó thở nữa. Những người có cơ địa dị ứng khi ăn thức ăn động vật, đặc biệt là thịt ba ba nên ăn ít một và phải lựa ba ba tươi ngon mới ăn.

Theo Đời sống
back to top