Nghìn tỷ đồng của VNG "bốc hơi" trong ví điện tử ZaloPay và TiKi

(khoahocdoisong.vn) - Những khoản tiền khổng lồ đầu tư vào ZaloPay và trang mua sắm điện tử TiKi khiến kết quả kinh doanh của Công ty CP VNG ngày càng đi xuống, thua lỗ nặng.

Đầu tư càng lớn, mất càng nhiều

VNG được thành lập từ năm 2004, với tên gọi là VinaGame, mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán, dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo...

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc tiếp xúc và giao dịch trực tiếp của người dân bị hạn chế để đảm bảo an toàn chống dịch. Đây chính là cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt các ứng dụng thanh toán điện tử và thương mại điện tử.

Tuy nhiên, chính hai mảng kinh doanh tiềm năng này đã cản đà tăng trưởng lợi nhuận, khiến VNG liên tiếp thua lỗ trong thời gian dài.

Theo số liệu ghi nhận trong Báo cáo thường niên 2020, VNG đã chi khoảng 2.727 tỷ đồng để đầu tư vào 20 công ty con và công ty liên kết, nhưng kết quả là lỗ nhiều hơn lãi (tính chung lỗ 86 tỷ đồng trong năm 2020).

Đáng chú ý, khoản đầu tư càng lớn thì lỗ càng nhiều, trong khi đầu tư ít lại có lãi. Chẳng hạn, VNG chỉ bỏ ra 5,7 tỷ đồng để sở hữu 99,94% vốn của Công ty MPT Entertainment Company Limited nhưng được thu về tới 11 tỷ đồng tiền lãi. Hoặc chỉ với 1 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH VNG Online (sở hữu 100% vốn), VNG đã nhận về khoản lãi sau thuế tận 67 tỷ đồng.

Thế nhưng, với những khoản đầu tư, rót vốn lớn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, thì VNG nhận được toàn các khoản thua lỗ, âm cả vốn ban đầu.

Đầu năm 2016, VNG bắt đầu rót hơn 384 tỷ đồng đầu tư vào Công ty Cổ phần Ti Ki (trang thương mại điện tử Tiki), tương ứng với tỷ lệ sở hữu là 38%. Sau 4 năm đầu tư vào Tiki, số tiền thua lỗ luỹ kế mà VNG phải chịu lên tới hơn 510 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của VNG tại đây giảm dần về 22,27% vào cuối năm 2020 và còn 20,18% trong quý 1/2021.

Được coi là “máy đốt tiền”, TiKi không ngừng tham vọng huy động thêm vốn để phát triển kinh doanh, dù càng làm càng lỗ. Bên cạnh việc vay vốn ngân hàng, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, Tiki từng muốn lên sàn chứng khoán để huy động vốn riêng lẻ từ các nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu. Nhưng do liên tiếp thua lỗ hàng nghìn tỷ trong các năm qua, TiKi không thể niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán do không đáp ứng được điều kiện ít nhất 3 năm gần nhất kinh doanh có lãi.

Một “cỗ máy đốt tiền” khác của VNG chính là Dịch vụ thanh toán điện tử, ví điện tử ZaloPay (đơn vị chủ quản là Công ty CP Zion) khiến VNG lỗ gần 667 tỷ đồng trong năm 2020. Đây là mức lỗ kỷ lục kể từ năm 2016 tới nay của Zion. 

Ở các năm trước, Zion đều lỗ nhưng từ năm 2018 mức lỗ tăng mạnh, đến năm 2019, Zion đã ghi nhận lỗ sau thuế 377 tỷ đồng. 

Sau đợt thoái vốn năm 2019, hiện VNG là công ty mẹ sở hữu gần 60% cổ phần Zion, với khoản đầu tư 1.225 tỷ đồng.

Biết là lỗ vẫn đầu tư

Trong tương lai, VNG cho biết sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa. Đặc biệt, Công ty sẽ tập trung phát triển thanh toán điện tử, dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo để tham gia làn sóng công nghệ tiếp theo.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ công bố gần đây, VNG dự kiến năm 2021 sẽ đạt 7.609 tỷ đồng doanh thu (tăng 26% so với thực hiện 2020).

Lường trước được khó khăn, nhất là các khoản lỗ từ đầu tư vào ZaloPay và TiKi, VNG chỉ đưa ra mức lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ hết sức khiêm tốn, với 4 tỷ đồng, và chấp nhận lỗ sau thuế hợp nhất năm 2021 là 619 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.489 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn và các khoản chi phí đều tăng cao nên đã kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh xuống còn hơn 9 tỷ đồng, giảm 94% so với quý 1/2020.

Dù đã hoàn nhập hơn 10 tỷ đồng từ dự phòng tổn thất tài sản trước đó, lợi nhuận trước thuế của VNG vẫn sụt giảm mạnh, 89%. Sau thuế, VNG đã lỗ ròng 27 tỷ đồng, giảm 131,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận kém, trong khi các khoản phải trả công nợ tăng khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị hao hụt lớn, ghi nhận giá trị âm 105 tỷ đồng.

Đồng hành cùng VNG trong suốt thời gian qua là Tencent - một công ty của Trung Quốc hiện đang nắm giữ hơn 48% quyền sở hữu VNG. Đến nay, mỗi sản phẩm của VNG đều được nhắc đến cùng với Tencent, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của VNG cũng là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, có nhiều luồng thông tin cho rằng "gã khổng lồ" đứng sau Zion không phải Tencent, mà chính là Alibaba.

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNG.

 Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNG.

Ông Lê Hồng Minh đang nắm giữ 9,99% tỷ lệ sở hữu cổ phần VNG, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của công ty này. Cần lưu ý, Khoản 2, Điều 12, Nghị định 71/2017 của Chính phủ có quy định, “Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng 1 công ty đại chúng”.

Trong Báo cáo tài chính của VNG, gần đây nhất là báo cáo tài chính quý 1/2021 có ghi rõ, VNG đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc đăng ký công ty đại chúng theo Công văn số 80. VNG cũng được phân loại là công ty đại chúng quy mô lớn theo quy định tại Thông tư 155.

Như vậy, việc ông Lê Hồng Minh là Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của VNG - một công ty đại chúng là không đảm bảo quy định tại Nghị định của Chính phủ.

Theo Đời sống
back to top