Nghiên cứu sơn chống cháy

(khoahocdoisong.vn) - Các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu vật liệu polymer và compozit, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã chế tạo thành công sơn chống cháy, đem lại doanh thu lớn khi thương mại hóa.
Sản phẩm thép được sơn chống cháy trước và sau khi cháy.

Sản phẩm thép được sơn chống cháy trước và sau khi cháy.

TS Nguyễn Việt Dũng, Phó trưởng phòng Nghiên cứu vật liệu polymer và compozit, Viện Khoa học Vật liệu cho biết, sơn chống cháy bảo vệ kết cấu thép là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học được thực hiện từ năm 2013. Đến năm 2016 thì bắt đầu có các doanh nghiệp liên hệ đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Đến năm 2017 thì Viện Khoa học Vật liệu bắt đầu hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất. 

Phụ gia cho sơn chống cháy là hỗn hợp các loại bột, kết hợp đúng tỷ lệ chúng sẽ trương nở lên để bảo vệ kết cấu thép bên trong. Khi xảy ra cháy, vật liệu sơn chống cháy sẽ nở phồng to lên và cách nhiệt cho kết cấu thép, bảo vệ công trình. Sơn dựa trên cơ chế phồng nở, khi tiếp xúc với nhiệt sẽ phồng lên. Hệ sơn này dựa trên 3 thành phần là amoni polyphotphat, melamin photphat và điamoni photphat. Ngoài ra còn có các loại phụ gia khác để giữ cho lớp than hóa sau khi phồng nở bền vững và có khả năng cách nhiệt tốt. Các nhà khoa học tiến hành pha trộn thêm khoáng sản là oxit silic, tạo ra khả năng cách nhiệt tốt hơn.

Mô hình nhà xưởng sơn chống cháy.

Mô hình nhà xưởng sơn chống cháy.

TS Nguyễn Việt Dũng cho biết, tùy theo mỗi công trình mà có yêu cầu về thời gian chống cháy riêng, từ 60 - 120 phút để tiến hành chọn loại sơn tương ứng, tùy thuộc vào quy mô công trình, lượng người bên trong công trình, sử dụng nguyên vật liệu hóa chất… Đồng nghĩa trong khoảng thời gian xảy ra cháy đó, nếu có các biện pháp dập lửa an toàn thì công trình vẫn đảm bảo để vận hành tiếp. Còn nếu cháy kéo dài hơn khoảng thời gian đó thì sau cháy phải đánh giá kiểm tra kết cấu công trình. Hiện thời gian tối đa của sơn chống cháy để bảo vệ công trình khi xảy ra cháy là 120 phút.

Theo Đời sống
back to top