Nghiện chà đạp người khác mới là cái “nghiện” nguy hiểm

(khoahocdoisong.vn) - “Với những nạn nhân ma túy, hãy cho họ một điểm tựa để họ quay trở về. Nếu có lên án, hãy lên án với những tội phạm ma túy", Bà Phạm Minh Hiền,  ĐBQH, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Yên chia sẻ.

Chúng tôi không gọi họ là “người nghiện ma túy”

Vụ việc 7 thanh niên tử vong và nhiều người khác bị thương tại lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây khiến dư luận bức xúc, lên án lối sống buông thả của các bạn trẻ. Bà có suy nghĩ như thế nào về sự việc này?

Đây không phải là lần đầu dư luận lên án, chỉ trích lối sống buông thả của giới trẻ hiện nay. Vụ việc của lễ hội âm nhạc vừa qua càng làm cho sự bực tức của dư luận đẩy lên cao hơn. Nhưng theo tôi, chúng ta có quyền lên án với thói hư tật xấu làm ảnh hưởng sự phát triển xã hội, tuy nhiên, không nên dùng lời lẽ gay gắt để chỉ trích những người đã tham gia vào đêm nhạc này. Cũng như những sự kiện văn hóa, giải trí của giới trẻ hiện nay, xem đó như một lối sống buông thả. 

Sử dụng chất cấm, gây nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội, lại ở lứa tuổi lẽ ra phải có những hoài bão, phấn đấu để cống hiến cho đất nước... Vì sao bà lại nói không nên xem đó là lối sống buông thả?

Theo dõi vụ việc, tôi thấy không ổn khi có những bình luận nhận định những nạn nhân trong đêm nhạc vừa rồi là “con nghiện”, trong đó có những người có tiếng nói, có sức ảnh hưởng trong xã hội.

Tôi nghĩ, cách gọi theo thói quen này cần phải được nhìn nhận lại một cách khách quan hơn.

Biết đâu, những người này chỉ mới sử dụng lần đầu và bị sốc thuốc? Việc dùng chất kích thích, chất gây nghiện nếu lặp đi lặp lại nhiều lần bất chấp hậu quả thì mới xem là người nghiện.

Trên thực tế, không ít người bị ngộ độc ma túy, sốc thuốc khi mới sử dụng lần đầu gây tử vong.

Nếu giả sử, họ là những “người nghiện” ma túy, thì sự lên án của dư luận là đúng, thưa bà?

Từ trải nghiệm thực tế trong công tác xã hội tôi thấy, phần lớn những người tìm tới ma túy do thói quen đua đòi, có lối sống buông thả, lệch lạc, không làm chủ được chính mình.

Nhưng cũng không ít người vì nhiều lý do ẩn khuất trong đời sống của mình. Họ đã tìm đến chất gây nguy hiểm này như một cách giảm đau đớn, lo âu về tâm lý.

Nếu pháp luật sử dụng cụm từ “người nghiện ma túy” thì trong công tác xã hội chúng tôi gọi là “ người sử dụng ma túy” nhằm làm giảm thiểu những tổn thương của người yếu thế đang cần sự trợ giúp...

Việc dư luận gọi “con nghiện”, “bọn nghiện”, “thứ hư đốn”, “lũ ngáo đá”... khi chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gốc rễ thì tôi cho rằng đó là sự miệt thị không nên có.

Cách gọi đó tạo nên một thói quen không tốt, nó thể hiện việc thiếu thông tin, sự hiểu biết cơ bản về ma túy và các chất gây nghiện của người gọi.

Hiện có nhiều cách phân loại ma túy mang tính tương đối như: phân loại theo nguồn gốc, phân loại theo tác động dược lý hay phân loại theo pháp luật.

Chẳng ở đâu có kiểu phân loại ma túy theo cách gọi như một “thói quen thích đặt tên theo cách của mình” như ở Việt Nam ta cả.

Bà Phạm Minh Hiền, ĐBQH, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Yên

Bà Phạm Minh Hiền,  ĐBQH, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Yên

Nghiện chà đạp, mạt sát mới là cái nghiện nguy hiểm

Nhưng nếu họ thuộc vào cái “phần lớn” như bà nói, là sự đua đòi, có lối sống lệch lạc, thì cũng rất đáng lên án?

Không phủ nhận, trước hết là từ chính ý thức bản thân họ. Tuy nhiên, với chất ma túy, chất gây nghiện khi chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ thì bất kỳ ai cũng trở thành nạn nhân.

Pháp luật Việt Nam từ lâu đã không còn xem người nghiện ma túy là tội phạm, chính sách xã hội cũng đã đưa ra các hình thức cai nghiện tập trung, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng dành cho đối tượng này.

Chúng ta không nên khăng khăng với mệnh đề: Không thể chấp nhận, không thể cảm thông...

Tôi tin, nếu ai đã từng chứng kiến cơn vật vã, sự tàn phá bên trong của một người đang cai nghiện, chúng ta sẽ có cái nhìn khác về họ, bằng sự đồng cảm của sự đớn đau hơn là căm  phẫn, dù trước đó, có thể hành vi họ gây ra là vô cùng nguy hiểm. Hãy cho họ một điểm tựa đề họ quay trở về.

Lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây. Ảnh theo Tri thức trẻ.

Lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây. Ảnh theo Tri thức trẻ.

Chứ không phải đã vướng vào ma túy là coi như “bỏ đi”, hiếm khi còn đường quay về, nên cũng không cần quan tâm nhiều đến họ?

Nếu đó là quan điểm, bình luận cá nhân thì tôi không phản bác. Nhưng điều đó cho thấy, đối với việc phòng chống ma túy, công tác truyền thông đã và đang làm chưa tới nơi.

Một tội phạm ma túy vẫn có thể còn cơ hội sống để trở về với cuộc sống cộng đồng và làm lại cuộc đời thì tại sao nạn nhân của ma túy lại không thể?

Tôi tự hỏi, nếu nạn nhân là người thân của gia đình họ, họ có vứt đi không? Họ sẽ dang tay kéo người thân của mình lên hay họ hùa theo dư luận để kỳ thị, bỏ rơi người thân mình?

Chính những quan điểm phân biệt, đối xử mới là vật cản để những nạn nhân của ma túy quay về tìm lại chính mình.

Nhưng việc lên án mạnh mẽ, cũng là một cách thể hiện thái độ quyết liệt với cái xấu, điều đó cũng có ý nghĩa tích cực nào đó, thưa bà?

Chúng ta chẳng thể nào tạo ra con người văn minh, xây dựng một xã hội văn minh trên nền móng của sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Nhất là khi họ cũng chỉ là nạn nhân của sự quản lý chậm chạp, trì trệ, ách tắc của Nhà nước. Là nạn nhân của những mặt trái xã hội.

Chúng ta lên án gay gắt các nạn nhân của ma túy, trong khi lại không nhận ra, hoặc lên án một cách rất yếu ớt đối với những hành vi đang có dấu hiệu “nghiện”.

Đó là nghiện chà đạp, nghiện xúc phạm và mạt sát người khác khi chưa hiểu rõ vấn đề. “Nghiện” chức quyền khi năng lực hạn chế. “Nghiện” sử dụng ngôn quyền không đúng nơi đúng chỗ... Theo tôi, đó mới là cái “nghiện” gây nguy hại cho xã hội, cần lên án để chấm dứt.

Tôi cho rằng, việc sử dụng ngôn từ là quyền của cá nhân, nhưng không nên tự cho mình cái quyền chà đạp, xúc phạm giá trị, nhân phẩm của người khác. Nhất là khi những nạn nhân cũng đã phải trả giá bằng mạng sống, tương lai của mình. Và trong lúc gia đình họ cũng đang phải gánh chịu nỗi đau đớn, dày vò...

Trong quan niệm của tôi - một người làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em và là người đang theo đuổi nghề Công tác xã hội- thì không có “ trẻ em hư”, chỉ có trẻ em chưa được giáo dục đúng cách mà thôi.

Yếu tố gia đình thật sự đóng vai trò quan trọng. Chúng ta khó mà đòi hỏi xã hội sẽ giáo dục con người có một nhận thức tốt trong khi vai trò gắn kết, dạy dỗ của người thân lại bỏ qua. Khi con trẻ khộng tìm thấy những ý nghĩa của tình cảm gia đình, những thú vị trong đời sống tình cảm với người thân thì chúng rất dễ lao ra bên ngoài tìm kiếm những thứ mới mẻ hấp dẫn hơn. 

Lỗi đầu tiên thuộc về nhà quản lý

Hành động đến thăm các nạn nhân của PCT UBND TP HN, ông Ngô Văn Quý cũng đã nhận sự chỉ trích rất lớn từ dư luận. Quan điểm của bà thế nào?

Tôi cho rằng đã là nạn nhân của mặt trái những vấn đề xã hội thì không nên phân biệt. Ở vị trí lãnh đạo, quản lý, những tai họa xảy ra liên quan đến sinh mạng con người từ bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng cần phải có những động thái tích cực của người lãnh đạo, quản lý.

Các ý kiến đều cho rằng, có nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn, đáng được quan tâm hơn, việc làm của ông Quý thậm chí có thể cổ súy cho một lối sống không lành mạnh?

Trong tâm thế và góc nhìn nhân văn dành cho những nạn nhân của tội phạm ma túy, người sử dụng chất ma túy, người dùng chất gây nghiện... tôi cho rằng, báo chí, truyền thông nên vào cuộc mạnh mẽ hơn về quyền con người.

Những nạn nhân đều có quyền được sống, quyền được chăm sóc, bảo vệ, trợ giúp... Nếu có lên án, hãy lên án với những tội phạm ma túy, những kẻ tiếp tay làm băng hoại đạo đức xã hội.

Nạn nhân nghi bị sốc thuốc tại lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: Facebook.

Nạn nhân nghi bị sốc thuốc tại lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: Facebook.

Có nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao ma túy lại được đem vào một đêm nhạc như thế này. Theo bà, chúng ta cần rút kinh nghiệm gì từ vụ việc thế này?

Tôi nghĩ, đã đến đến lúc các nhà quản lý và cơ quan chức năng cần xem xét lại vấn đề cấp phép cho những sự kiện giải trí có quy mô lớn, tập trung đông người.

Sự việc nghiêm trọng, để lại hậu quả quá lớn thì trách nhiệm không thể dừng lại ở việc cấp phép đúng quy trình. Đó còn là trách nhiệm quản lý, sự phối hợp giữa các bên trước, trong và sau khi tổ chức sự kiện.

Chưa kể, vụ việc có dấu hiệu hình sự và đã bị khởi tố, trách nhiệm của các bên sẽ được làm rõ khi có kết luận của cơ quan điều tra.

Trân trọng cảm ơn bà!

Lễ hội âm nhạc có chủ đề Du hành tới Mặt Trăng (Trip to the moon) nằm trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) năm thứ 3 liên tiếp.

Chương trình bắt đầu từ chiều 16/9 với sự xuất hiện của các DJ hàng đầu thế giới của dòng nhạc Trap - House như Yellow Claw, Ben Nicky thu hút hàng nghìn người tham dự. Sự kiện này được trình diễn đồng thời cùng lúc với 3 sân khấu với hệ thống loa, đèn laser, màn hình visual tương tác hình ảnh.

Số lượng người tham dự Công ty TNHH kết nối Á Châu (đơn vị tổ chức) đăng ký, được Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội cấp giấy phép tổ chức là khoảng 5.000.

Cuối giờ sáng 17/9, cơ quan chức năng xác định 7 người tử vong và 5 người trong tình trạng hôn mê. Toàn bộ nạn nhân trên đều dương tính với ma túy.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top