Nghịch lý ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp “đói” vốn

(khoahocdoisong.vn) - Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỷ đồng thanh khoản. Tính đến giữa tháng 8, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13%.

Các con số của báo cáo cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có. Tuy nhiên, trái với tình trạng ngân hàng "thừa tiền" thì nghịch lý “đói vốn” đang diễn ra phổ biến bởi doanh nghiệp suy kiệt do đại dịch Covid-19.

Báo cáo của NHNN cho hay, trong gần 8 tháng, toàn hệ thống ngân hàng mới giải ngân thêm hơn 346.600 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương hơn 1.400 tỷ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nửa thập niên qua. Nguyên nhân trực tiếp là do doanh nghiệp suy kiệt, thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa nên khả năng hấp thụ vốn rất thấp.

Cũng trong khoảng thời gian này, tổng lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã lên tới hơn 246.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là gần 171.300 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, có khoảng 1.367 tỷ đồng được người dân gửi vào ngân hàng.

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8 của Công ty Chứng khoán HSC cũng cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có, mặc dù Kho bạc Nhà nước đã rút ròng 189.700 tỷ đồng tại 3 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, VietinBank từ đầu năm. Thời gian này ngành ngân hàng như "ngồi trên đống tiền" do việc tăng trưởng huy động cao hơn nhiều so với tín dụng.

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiện tượng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào các ngân hàng dù lãi suất thấp trong thời gian qua, một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị đình trệ. Cùng với đó, một số kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ không còn hấp dẫn và có thể sinh lời cao tại thời điểm này.

Giai đoạn hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp suy yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy có độ rủi ro cao về kinh tế. Do đó, các ngân hàng tuy thừa tiền nhưng rất cân nhắc khi cho vay vì sợ nợ xấu. Đây là một bài toán không dễ giải vì liên quan đến xung đột lợi ích. Nếu vì lợi ích chung, ngân hàng cố gắng giải ngân càng nhiều càng tốt, chú trọng đến những lĩnh vực then chốt, quy mô lớn. Nhưng ngược lại, nếu cho vay một cách “dễ dãi” thì sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng, đặc biệt là việc thu hồi nợ cũng như lợi nhuận ngân hàng.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, NHNN cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp với tình thế hiện tại. Cơ cấu lại nợ công, giảm chi phí cho ngân hàng thương mại, giảm bớt trách nhiệm quản lý nhà nước về tầm vĩ mô để các ngân hàng thương mại có thể yên tâm cho vay trong những lĩnh vực khó khăn. Các doanh nghiệp thật sự đang rất cần vốn trong giai đoạn hiện nay để vượt qua khó khăn.

Theo Đời sống
back to top