Nghĩa Trai – Làng biệt dược 1.000 năm tuổi

Gần như gia đình nào trong làng cũng trồng dược liệu.

1.000 năm tuổi

Làng Nghĩa trai nằm trầm mặc phía sau Ql 5 cũ, với điểm nhấn là ngôi đình và một số nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, cái mà dân làng nhắc đến nhiều nhất không phải những ngôi nhà mà đó là nghề làm thuốc đã có từ khoảng 1000 năm. Cái nghề làm phúc cứu người ấy thậm chí đã đi vào tiềm thức của người dân với những lời hát ru rằng: “À ơi con ngủ cho ngoan/ để mẹ bốc thuốc cứu người an nguy/ sâm linh, bạch truật, đương quy/ phòng phong, kinh giới, a ngùy, đan sâm…”. Thế rồi, cái nghề làm thuốc cứ theo lời ca mà đi vào tiềm thức người dân từ đời này qua đời khác.

Minh chứng rõ ràng nhất về lịch sử làng thuốc là tấm bia minh văn từ thời Lý Thánh Tông ghi truyền thuyết về 3 vị tướng tên là Phổ Minh, Tẩu Công Đại Vương và Miêu Duệ Tam Lang. Khi nhà Lý dấn thân vào các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi, tướng Tẩu Công Đại Vương và Miêu Duệ Tam Lang tử trận. Khi đánh tan quân Chế Cổ, tướng Phổ Minh cáo quan rồi về vùng đất Nghĩa Trai sinh sống và dạy người dân cách trồng và bốc thuốc.

Đến đời vua Lý Thần Tông, khi ông hành quân qua đây và biết vùng này thờ 3 vị danh tướng có công dạy nghề bốc thuốc cho dân. Ông liền lấy từ trong túi áo ra 3 hạt kinh giới hoa bảo người dân trồng để làm thuốc chữa bệnh.

Khi được hỏi về lịch sử của nghề thuốc, cụ Đỗ An Ngợi, 72 tuổi lật đật bảo người cháu trai tìm quyển sách tư liệu được cất cẩn thận trong tủ lim ra cho khách xem. Cuốn sách này ghi chép lại các tư liệu dịch từ bia minh văn ở đình làng cách đây hàng ngàn năm. Điều thú vị là bia minh văn này lại do các học giả người Pháp dịch. Sau đó, bia và bản dịch được đưa về Viện Viễn đông Bắc cổ lưu giữ. Mãi đến giai đoạn sau này, giới học giả Việt Nam mới dịch lại. Người dân địa phương coi tấm bia này là báu vật của làng, là minh chứng cho lịch sử tồn tại hàng ngàn năm của làng biệt dược.

Cụ Ngợi tự hào bảo: “Ở miền Bắc mình cũng có nhiều làng làm nghề thuốc. Nhưng gần như họ đều buôn bán dược liệu là chính. Còn chúng tôi thì vừa trồng dược liệu, vừa bốc thuốc lại vừa buôn bán. Gần như hộ nào trong làng cũng trồng cây thuốc, 5 – 6 hộ làm nghề buôn bán dược liệu và 5 gia đình được coi là thần y”.

The ông Ngợi thì những người được coi là thần y phải dựa trên cơ sở bốc thuốc, làm ăn tử tế, được nhiều người tin dùng, được người trong làng đồng tình nể phục. Còn số người tập tọe thì nhiều không đếm được.

Cúc hoa, một loại dược liệu đem lại thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa.

Nằm trên đống thuốc nhưng không biết dùng thế nào

Một đặc điểm khá thú vị của làng thuốc Nghĩa Trai, đó là nhiều ngưởi ôm cả chục tấn dược liệu trong nhà nhưng khi ốm thì lại không biết cách dùng, vẫn phải cậy nhờ đến các thầy lang.

Cụ Đỗ An Ngợi cho biết: “Trong làng chỉ có vài dòng họ sở hữu những bài thuốc gia truyền đặc biệt quý hiếm. Nói quý hiếm theo nghĩa, đã chữa là khỏi, chưa một trường hợp nào bó tay. Đến nay, số gia đình lang y còn lại 5 người. Những gia đình khác có khi sản xuất, kinh doanh cả trăm tấn dược liệu trong nhà nhưng chính họ lại không biết cách bốc thuốc. Cho nên mới có chuyện hài hước mà dân làng thường đùa vui với nhau là “chết trên đống thuốc”.

Điều đó khá lạ, bởi đặc điểm truyền thống của làng Nghĩa Trai đó là không bao giờ giấu giếm bài thuốc, công thức chữa bệnh mà phải công bố cho càng nhiều người biết càng tốt. Điều này có liên quan đến đặc điểm thứ hai là phải làm việc nghĩa. Phổ biến bài thuốc để nhiều người tự chữa bệnh cũng là một cách để làm việc nghĩa. Thế cho nên, từ lúc lập làng, những vị tướng quân thời Lý đã lấy tên làng là Nghĩa Trai nhằm nhắc nhở người dân phải đề cao việc nghĩa ở đời.

Lương y ngày càng ít

Nói về những người được coi là “linh hồn” của làng thuốc. Đó là những danh y đã tạo nên danh tiếng của làng Nghĩa Trai. Ông Đỗ Ngọc Giao, một người bốc thuốc ở làng kể lại: “Làng vẫn nổi tiếng là cái nôi sản sinh ra nhiều thầy lang giỏi. Minh chứng là trong số nhiều hiệu thuốc đông y ở cả nước hễ biển hiệu nào có chữ đầu là “nghĩa” thì biết người đó xuất thân làng Nghĩa Trai. Đây là quy định của làng. Nếu thay đổi sẽ gặp phải tai ương”.

Nghề dược liệu ở Nghĩa Trai đã có từ 1.000 năm nay.

Theo ông Giao thì ở làng Nghĩa Trai hiện có khoảng 5 dòng họ lớn đó là Đỗ, Nguyễn, Trần… Trước đây, dòng họ nào cũng sở hữu những bài thuốc đăc biệt hiệu quả. Như họ Trần có bài thuốc chữa ngứa, phổi không ai địch được. Họ Nguyễn có bài chữa khớp, dạ dày được coi là “thiên hạ vô song”. Ấy thế nhưng, cái vòng hào quang đó không biết duy trì được bao lâu nữa vì nhiều dòng họ không tìm được người kế nghiệp.

Ông Giao lắc đầu: “Như cụ Lang Tử của dòng họ Trần sở hữu bài thuốc chữa ngứa vô địch thiên hạ. Cách đây mấy chục năm, có người hàng xóm đến nhờ lấy thuốc chữa bệnh. Đặc điểm của bài thuốc chữa ngứa là uống thuốc vào thường đau bụng. Khi người hàng xóm uống vào thấy đau bụng liền đi báo quan.

Quan đến bắt lên xã giam mấy ngày sau mới thả. Sau khi uống thuốc cụ Lang Tửu khỏi bệnh, người hàng xóm đến xin lỗi nhưng cụ tự ái không nhận lời. Cũng từ đó, cụ chỉ bốc thuốc chữa bệnh cho người trong nhà chứ không nhận chữa cho bất cứ ai, cũng không truyền lại bài thuốc này cho ai. Kể từ đó, dòng họ Trần không còn người nối nghiệp. Bài thuốc đặc trị ngứa cũng vĩnh viễn chìm vào quá vãng”.

Ngay như dòng họ Đỗ của gia đình ông Giao đến nay vẫn chưa tìm được người nối nghiệp thầy lang. Ông Giao kể rằng. Đời cụ nội của ông sinh được 10 người con, nhưng chỉ có duy nhất một người nối nghiệp. Đến ông là đời thứ 29 cũng là người duy nhất của dòng họ nối nghiệp ông chú. Đến nay, ông Giao chưa tìm được người tiếp theo thừa kế “gia sản” cha ông.

Lý giải về điều này, ông Giao cho rằng: “Do cơ chế thị trường. Lớp trẻ muốn làm tiền nhiều hơn nên chỉ đi buôn bán dược liệu, sinh lời nhanh. Còn nghề bốc thuốc vừa đau đầu, phức tạp Nhà nước lại phiền hà các loại giấy phép này nọ nên nhiều người thấy ngại, không muốn theo. Ngoài những người buôn bán và bốc thuốc ra, số dân còn lại cũng chỉ trồng dược liệu giống như trồng ngô, sắn để bán kiếm tiền chứ không biết gì về việc bốc thuốc”.

Bà Đỗ Thị Lệ, Trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết: “Hiện cả thôn Nghĩa Trai có 900 lao động trực tiếp trồng, buôn bán và chế biến dược liệu, chiếm tỉ lệ trên 85%. Mỗi năm, làng cung cấp cho thị trường trên 300 tấn dược liệu. Trong đó, khoảng 100 tấn sản xuất tại địa phương. Số còn lại được người dân thu mua từ các tỉnh thành trong cả nước”.

Quách Dương

Theo Đời sống
back to top