Nghị định 23: Cơ chế ngăn chặn khai thác trái phép cát, sỏi

(khoahocdoisong.vn) - Do tính chất phức tạp của phân bố cát, sỏi lòng sông, cũng như đặc thù cấp phép doanh nghiệp khai thác giữa các địa phương không thống nhất nên tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua.

Từ ngày 10/4/2020, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Nghị định này được xem là “cơ chế thép” ngăn chặn việc khai thác trái phép cát, sỏi ở lòng, bờ bãi sông.

Khai thác trái phép diễn ra mọi lúc, mọi nơi

Theo đánh giá của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn đang diễn hằng ngày trên các đoạn sông trên cả nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở, lũ lụt, hạn hán, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, khoáng sản, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống người dân.

Sẽ không khó để tìm ra những vụ việc khai thác trái phép. Trong đó, có những vụ việc đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt và khởi tố, nhưng cũng có những vụ việc hiện đang ở mức phản ánh, điều tra…

Đơn cử, mới đây, người dân xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phát hiện máy đào chặn dòng, đắp đường ra giữa sông Ngàn Sâu đoạn qua địa bàn để khai thác cát, sỏi trái phép nhưng chính quyền không xử lý…

Tại Hà Giang, mấy năm qua, trên địa bàn thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) luôn có 4 đến 5 điểm khai thác cát trái phép trên dòng sông Lô, các điểm này tập trung chủ yếu ở thôn Tự Lập và thôn Bình Long. Hoạt động hút cát của các điểm không kể ngày đêm, nhưng phổ biến vào khoảng thời gian từ 17 – 22h, phương tiện sử dụng thường là thuyền có công suất lớn.

Tại Hà Nội, việc khai thác cát trên sông Hồng từ nhiều năm qua đã là vấn đề bức xúc của người dân quanh lưu vực sông. Người dân thôn Vân Đình cho biết, việc khai thác cát trái phép đã làm sạt lở kè Cẩm Đình, chính quyền xã chỉ biết báo cáo lên cấp trên chờ xử lý. Hay trên sông Cà Lồ, đoạn qua xã Phù Lỗ và xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) lần lượt tiếp giáp với xã Xuân Nộn và xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), các đối tượng chủ yếu lợi dụng đêm khuya để hoạt động.

Ngoài ra, khu vực sông Lô thuộc tỉnh Phú Thọ, khu vực sông Lam thuộc tỉnh Nghệ An, trên các nhánh thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam đều là những điểm nóng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.

Theo ghi nhận, hoạt động khai thác cát, sỏi khó kiểm soát bởi thường diễn ra ở các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều tỉnh/thành phố. Lại thường diễn ra bất kể ngày đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, sự phối hợp kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc cát, sỏi cấp cho các dự án xây dựng công trình còn lỏng lẻo, hiện tượng mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ đối với cát, sỏi xây dựng vẫn còn diễn ra, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác không phép.

Tạo hành lang quản lý mới

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các đối tượng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông sử dụng phương tiện thủy tự chế, hoán cải (lắp thêm thiết bị khai thác cát), lợi dụng các điểm giáp ranh, đêm tối để hoạt động mang tính chụp giật trên các tuyến sông khiến các lực lượng chức năng khó phát hiện, bắt giữ, xử lý. Chỉ tính trong năm 2019, 14/20 địa phương đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng có hành vi khai thác trái phép, xử phạt 12,08 tỷ đồng, đã khởi tố 2 vụ án hình sự tại Thanh Hóa và Đồng Nai...

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cát, sỏi lòng sông là khoáng sản, nên các hoạt động  điều tra, thăm dò, khai thác được điều chỉnh bởi  Luật Khoáng sản 2010 và 8 Nghị định và trên 40 Thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của phân bố cát, sỏi lòng sông, cũng như đặc thù cấp phép doanh nghiệp khai thác giữa các địa phương không thống nhất. Do đó, Nghị định 23/2020 ra đời nhằm điều chỉnh thêm một số hoạt động liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông cũng như bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Về cơ bản, Nghị định 23 cụ thể hóa 5 chính sách gồm thống nhất quản lý cát, cuội, sỏi và hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi, gắn với bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước; Địa phương phải có trách nhiệm quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên cát theo lưu vực; Quản lý cát, cuội, sỏi lòng sông cần chặt chẽ theo 4 khâu: Từ lập quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác đến tập kết, mua bán, vận chuyển; Đấu giá để cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; Khuyến khích sử dụng các nguyên liệu thay thế cát, cuội, sỏi lòng sông từ các loại đá giàu silic.

Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông như phải đăng ký thời gian được phép khai thác, đăng ký tên, loại phương tiện, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, lưu trữ thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển…

Bến bãi tập kết cát sỏi phải nằm trong quy hoạch, được cấp phép theo thẩm quyền, được lắp đặt bảng công khai thông tin về địa chỉ cung cấp cát sỏi, lắp đạt trạm cân, camera giám sát khối lượng mua - bán.

Trong kinh doanh, vận chuyển cát sỏi lòng sông phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan về giao thông đường thủy nội địa và quy định trong Giấy phép khai thác….

Theo Đời sống
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
Hoá mỹ phẩm Đa Dâng bị thu hồi 149ha đất

Hoá mỹ phẩm Đa Dâng bị thu hồi 149ha đất

Tổng diện tích đất thu hồi là 149,65 ha, nguyên do xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất vì thực hiện không đúng theo phương án sản xuất lâm nông nghiệp kết hợp, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất được cho thuê.
back to top