Nghệ thuật Trúc Chỉ - Tôn vinh giá trị của giấy

(khoahocdoisong.vn) - Có những người không muốn giấy mãi chịu thân phận làm nền, làm “kép phụ” mà phải trở thành “kép chính” trên “sân khấu nghệ thuật” và họ đã dày công nghiên cứu và tạo nên Trúc Chỉ - nghệ thuật giấy mới của Việt Nam.

Vườn Trúc Chỉ - khu vườn nhỏ chứa ước vọng lớn

Ở Huế có rất nhiều khu vườn nổi tiếng - mẫu mực như An Hiên, yên ả như Lạc Tịnh Viên… nhưng có một khu vườn rất đặc biệt mà hẳn là chưa nhiều người biết tới. Nằm khiêm tốn trên con đường Thạch Hãn, cách không xa Đại nội, tuy không thể so sánh được về tuổi đời với những khu vườn lịch sử nói trên nhưng lại chứa đựng và truyền tải một ước vọng lớn về giá trị văn hóa  truyền thống Việt - đó là Vườn Trúc chỉ.

Cổng vườn Trúc Chỉ với bức tranh lớn như lời chào mời ấn tượng.

Cổng vườn Trúc Chỉ với bức tranh lớn như lời chào mời ấn tượng.

Trúc Chỉ - một cái tên gợi tò mò. Phải chăng đó là một loại hình nghệ thuật từ cây trúc? Nói vậy cũng có thể cho là đúng, nhưng chưa đủ, vì ở đây trúc là một nguyên liệu, song không chỉ thế, nghệ thuật Trúc Chỉ còn sử dụng rất nhiều nguyên liệu thiên nhiên khác, gần gũi với đời sống như: Tre, rơm, mía, chuối, dâu, dứa, lá, cỏ…

Tên gọi Trúc Chỉ được nhà văn, dịch giả Bửu Ý định danh, với cảm hứng lấy từ hình ảnh loài tre như một biểu tượng văn hóa, tinh thần Việt cũng như sự gần gũi, thân thuộc; dễ tìm thấy ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào trên đất nước ta.

Nhà Trúc Chỉ ở Huế.

Nhà Trúc Chỉ ở Huế.

Họa sĩ Phan Hải Bằng, Giảng viên Đại học Nghệ thuật- Đại học Huế cùng các cộng sự khi nghiên cứu, sáng tạo nên Trúc Chỉ đã tâm niệm phải mang lại tính nghệ thuật cao cho giấy thủ công. Chính vì lẽ đó, các phép ứng biến, tiếp biến về nguyên liệu, quy trình, thuật ngữ kỹ thuật tương ứng… đã được nghiên cứu, vận dụng để làm cho “giấy” trở thành “nghệ thuật Trúc Chỉ”.

Một trong những thành tựu quan trọng của đội ngũ giàu tâm huyết này là sáng tạo ra thuật ngữ kỹ thuật Đồ họa Trúc Chỉ/Trucchigraphy - đến nay đã  được thừa nhận và sử dụng trong giới chuyên môn.Trucchigraphy là sự kết hợp, ứng biến trên 3 yếu tố: Quy trình nghề giấy thủ công truyền thống; nguyên lý của các kỹ thuật chất liệu trong nghệ thuật đồ họa (khắc kim loại, in xuyên…) và kỹ thuật dùng áp lực nước cơ bản.

Trải nghiệm tự làm tranh Trúc Chỉ, dùng áp lực nước để tạo hình

Trải nghiệm tự làm tranh Trúc Chỉ, dùng áp lực nước để tạo hình

Bên cạnh các thuật ngữ chuyên môn có lẽ sẽ trở nên phức tạp với những người ngoại đạo, điều quý giá nhất mà chúng ta nên nhớ về nghệ thuật Trúc Chỉ đó là biến giấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân, độc lập. Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi của nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam.

Tôi cũng đã tạm quên đi những thuật ngữ đó khi đắm chìm vào không gian của Vườn Trúc Chỉ. Ngay từ đầu ngõ, bức tranh lớn dọc tường bao đã thay cho một “lời giới thiệu” ấn tượng. Đi vào cổng, khoảng xanh của bụi tre, cây cảnh với mảnh sân nhỏ bày biện dụng cụ dành cho trải nghiệm làm tranh Trúc Chỉ khiến vườn đậm chất dân dã và yên bình.

“Ngôi nhà Trúc Chỉ” phía trong thì thực sự đáng giá. Bước vào nhà, có cảm giác dễ chịu như một số căn nhà đẹp giản dị khác mang lại; nhưng đến gần, từ tốn ngắm kỹ, bạn bỗng nhận ra vẫn là ban thờ, tranh tường, sổ sách, chiếc đèn, chiếc ghế… đó thôi nhưng chúng đang sống dậy dưới hình hài mới, nhờ bàn tay tài năng và tâm huyết của những nghệ sĩ Trúc Chỉ. 

Tính thẩm mỹ và ứng dụng cao của tác phẩm Trúc Chỉ

Sau khi lạc lối trong không gian dung dị đầy quyến rũ của ngôi nhà Trúc Chỉ, gần hai giờ tự tay làm một bức tranh Trúc Chỉ ở khoảnh sân nhỏ đã mở mang cho chúng tôi nhiều điều.

Nguyên liệu làm tranh Trúc Chỉ gần gũi với người Việt, từ tre, trúc, ngô, mía.

Nguyên liệu làm tranh Trúc Chỉ gần gũi với người Việt, từ tre, trúc, ngô, mía.

Các bước cơ bản để làm một bức tranh Trúc Chỉ đó là: Thứ nhất, tạo hình trên vải xốp, sau đó cắt hình để tạo nên bức tranh về sau; thứ hai, xử lý nguyên liệu - bước này tương tự như cách tạo giấy thủ công truyền thống - để “seo” thành tấm giấy trên khung; tiếp đó dùng áp lực nước lên ngay tấm giấy ướt để tạo nên độ dày, mỏng khác nhau với những hình đã được cắt ở bước thứ nhất. Khâu này sẽ được thực hiện nhiều lần, cho đến khi đạt được tác phẩm ưng ý.

Khi nhận lại tác phẩm đơn sơ của mình, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy…  ngưỡng mộ bản thân, không ngờ có thể tự tay làm ra một bức tranh độc đáo như thế, mặc dù mới chỉ được hướng dẫn kỹ thuật cơ bản nhất dành cho người nghiệp dư. Quả thực, mỗi bức tranh hay tác phẩm Trúc Chỉ là độc nhất, bởi sáng tạo trên Trúc Chỉ rất phong phú và linh hoạt. Từ việc kết hợp nhiều loại nguyên liệu xơ sợi đến hệ thống sắc độ, sắc nhị… tinh tế theo từng lớp dày mỏng mà trucchigraphy mang lại cho đến dấu ấn của bàn tay tài hoa, sử dụng “cây bút vẽ” bằng nước vờn trên mặt giấy… Tất cả hòa quyện với nhau tạo ra sức quyến rũ riêng của tranh Trúc Chỉ.

Nếu như tranh in khắc kim loại chỉ cho hiệu ứng duy nhất nhờ sắc độ tương ứng với độ ăn mòn nông, sâu trên mặt kim loại thì Trúc Chỉ có khả năng mang đến hai hiệu ứng trên cùng một tác phẩm. Đó là hiệu ứng bề mặt, khi có ánh sáng thuận, những chỗ dày tạo sắc độ sáng, chỗ mỏng mang lại sắc độ tối. Hiệu ứng thứ hai là xuyên sáng, với ánh sáng ngược, những chỗ dày thì tối, mỏng thì sáng. Những đặc điểm này khiến tác phẩm nghệ thuật Trúc Chỉ tạo nên sức hút và gợi cảm hứng cho cả nghệ sĩ lẫn người thưởng ngoạn.

Những năm qua, Trúc Chỉ không chỉ phát triển theo hướng nghệ thuật thị giác mà đã thể hiện được chỗ đứng của mình trong đời sống với các loại hình như thiết kế nội ngoại thất, thời trang, đồ dùng hàng ngày…

Sản phẩm ứng dụng: Bọc hộ chiếu Trúc Chỉ.

Sản phẩm ứng dụng: Bọc hộ chiếu Trúc Chỉ.

Từ một công trình nghiên cứu khoa học, trải qua nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, cho đến nay “đứa con tinh thần” của họa sĩ Hải Bằng đã thực sự trở thành tác phẩm nghệ thuật độc lập như mong muốn của người sáng tạo ra nó. Trúc Chỉ đã hiện diện ở nhiều triển lãm trong và ngoài nước; được lựa chọn làm quà tặng cho Nhật Hoàng trong chuyến thăm Việt Nam 2017; đóng góp tác phẩm Vọng niệm, Thuyền thuộc dự án nghệ thuật Đường hầm Nhà Quốc hội 2018; bản sách đặc biệt "L’Art à Hué" được bán đấu giá thành công tại Huế 2019; đồng thời đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế…

Bìa sách " "L’Art à Hué".

Bìa sách " "L’Art à Hué".

Nếu người Hàn có Hàn Chỉ, người Nhật có Hòa Chỉ thì người Việt đã có Trúc Chỉ. Trúc Chỉ có thể là nơi hiển thị những giấc mơ thoát thai từ lũy tre làng, qua trí tưởng tượng, tri thức khoa học, óc sáng tạo… của những nghệ sĩ tâm huyết song cũng có thể sẽ thực sự trở thành một tài sản quý trong dòng chảy văn hóa Việt đương đại.

Xương Minh

Theo Đời sống
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top