Ngày xuân thực hiện nâng cao chính khí vượt qua đại dịch

Cổ nhân đã nói: “Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư; chính khí tồn nội, tà bất khả can”, nghĩa là tác nhân gây bệnh xâm nhập được là do chính khí hư nhược hay nói cách khác là sức đề kháng, sức miễn dịch suy giảm và ngược lại sức đề kháng và sức miễn dịch tốt thì mầm bệnh không thể xâm phạm vào cơ thể được.
chinh-khi.jpg
Khỏe chính khí thì không lo tà khí xâm nhập.

Kho tàng kinh nghiệm của y học cổ truyền về vấn đề nâng cao chính khí hết sức phong phú. Bài viết này xin được dẫn ra một số ví dụ điển hình để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Biện pháp không dùng thuốc

Tác động túc tam lý

Hằng ngày nên tiến hành day bấm hoặc cứu huyệt túc tam lý, đây là huyệt nằm trên đường kinh vị, có công dụng điều lý tỳ vị, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, điều hoà khí huyết, tuyên thông khí cơ, đạo khí thượng hành, phù bản cố nguyên, bổ hư cường thân.

Có nhiều cách để tác động lên túc tam lý như day bấm, châm, cứu, thuỷ châm, laser châm, điện châm, từ châm, điện - từ châm, trong đó thông dụng và đơn giản nhất là tự day bấm và cứu bằng điếu ngải.

Tự day bấm là dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day bấm huyệt trong khoảng 1 - 2 phút với một lực vừa phải sao cho đạt cảm giác tê tức tại chỗ và lan xuống bàn chân là được, mỗi ngày làm 2 lần vào lúc ngủ dậy buổi sáng và trước khi ngủ tối. Nếu cứu có thể chọn một trong ba cách:

1. Đốt điếu ngải rồi hơ trên huyệt, cách da chừng 2cm, khi thấy nóng thì để cách xa dần, đến mức thấy nóng ấm, dễ chịu thì giữ nguyên khoảng cách đó cho đến khi thấy da hồng lên là được, cứu mỗi huyệt chừng 10 - 15 phút.

2. Đặt điếu ngải cách da một khoảng đủ thấy nóng ấm rồi từ từ di chuyển điếu ngải theo vòng tròn, từ hẹp đến rộng, khi cảm thấy nóng đều vùng định cứu là được, cứu trong 20 - 30 phút.

3. Đưa đầu điếu ngải lại gần sát da cho có cảm giác nóng rát rồi lại kéo ra xa, làm như thế nhiều lần như chim sẻ mổ thóc, thường cứu trong 2 - 5 phút.

chinh-khi-tuc-tam-ly.jpg
Huyệt túc tam lý.

Tập Nội dưỡng công

Đây là một trong những phương pháp chủ yếu thuộc thể loại tĩnh công, thông qua điều thân, điều tức và điều tâm khiến cho cơ thể thư giãn, hô hấp điều hoà và tâm tưởng điềm tĩnh, có công dụng bồi bổ chính khí, phù chính khu tà. Cụ thể:

1. Điều thân: Nằm ngửa ngay ngắn trên giường, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhắm hờ, hai tay duỗi thẳng tự nhiên dọc theo thân mình, lòng bàn tay úp xuống, chân duỗi thẳng, hai gót khép lại, các ngón chân xoè ra tự nhiên. Nếu ngồi thì ngồi ngay ngắn trên ghế, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhắm hờ, ngực nhô lưng thẳng, hai vai và khuỷu tay thả lỏng, ngón tay duỗi, lòng bàn tay úp xuống đặt trên đùi, hai chân cách nhau cùng tầm với vai, gối gấp 90º, bàn chân bám đất.

2. Điều tức: Thở bằng mũi hoặc thở bằng cả mũi và miệng, trước tiên hít vào, không nín thở mà từ từ thở ra, thở ra xong mới ngừng thở (hít vào - thở ra - ngừng thở), luân phiên đều đặn như vậy. Phối hợp với niệm câu từ như cách thứ nhất. Khi hít vào lưỡi nâng lên chạm hàm ếch, khi thở ra lưỡi hạ xuống và khi ngừng thở lưỡi bất động.

3. Điều tâm: Tự giác khống chế hoạt động ý thức, tập trung tư tưởng vào đan điền (tương ứng với huyệt khí hải, nằm ở trên đường trục giữa cơ thể, dưới rốn 1,5 thốn đồng thân).

chinh-khi-1.jpg
Tích cực tập luyện để nâng cao chính khí.

Biện pháp dùng thuốc

Chọn 3 loại trà cổ độc đáo hoặc ngâm rượu (thần tiên diên thọ tửu).

1. Ngọc bình phong ẩm: Gồm có ba vị là hoàng kỳ sao 18g, bạch truật sao 12g và phòng phong 6g. Ba vị sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 - 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

2. Nhân sâm cố bản trà: Nhân sâm 120g, mạch môn 240g, thiên môn 240g, thục địa 240g, sinh địa 240g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 40 - 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

3. Diên niên ích thọ bất lão trà: Hà thủ ô 240g, địa cốt bì 120g, bạch linh 120g, sinh địa 90g, thục địa 90g, mạch môn 90g, thiên môn 90g, nhân sâm 90g. Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 30 - 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 - 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

chinh-khi-tra.jpg

4. Nếu uống được rượu thì nên chọn Thần tiên diên thọ tửu: Đương quy 40g, sinh địa 40g, thục địa 40g, thiên môn 40g, mạch môn 40g, ngưu tất 40g, đỗ trọng 40g, tiểu hồi 40g, ba kích 40g, xuyên khung 40g, bá tử nhân 12g, hoàng bá 50g, bạch thược 40g, bạch linh 40g, tri mẫu 40g, phá cố chỉ 24g, sa nhân 24g, bạch truật 24g, mộc hương 12g, nhân sâm 12g, thạch xương bồ 12g, kỷ tử 40g, nhục thung dung 40g, viễn chí 24g.

Các vị thái nhỏ, cho vào trong một cái thạp sành, đổ thêm 7 lít rượu trắng, đun sôi nhỏ lửa trong ba tuần hương rồi bịt kín miệng chôn dưới đất 3 ngày đêm. Cũng có thể ngâm theo lối thông thường nhưng ít nhất phải sau 3 tháng mới được mở nút đem dùng. Uống mỗi ngày 1 - 2 lần, mỗi lần 30ml trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ tối.

Món ăn, bài thuốc

Nên chọn dùng và thay đổi theo ba món dược thiện:

Đuôi lợn hầm hà thủ ô + đỗ trọng: Hà thủ ô 15g, kỷ tử 15g, đỗ trọng 9g, đuôi lợn 1 cái làm sạch luộc qua, cắt đoạn. Tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa với 800ml nước, cô còn 300ml nước là được, ăn đuôi lợn, uống nước cốt. Công dụng: Bổ can ích thận, dưỡng huyết điền tinh.

Tủy sống bò hầm đông trùng hạ thảo: Tủy sống bò 150g, đông trùng hạ thảo 5g, hoài sơn 10g, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào liễn sành, ướp gia vị, cho thêm 50ml nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thủy chừng 60 phút là được, chia ăn vài lần. Công dụng: Bổ tinh ích trí, tráng dương an thần.

Chim cút, tủy sống lợn hấp cách thủy long nhãn, đường phèn: Chim cút (rút xương) 150g, tủy sống lợn 50g, long nhãn 40g, đường phèn 40g, hành 5g, gừng tươi, gia vị và nước dùng gà vừa đủ. Chim cút làm sạch chặt miếng, để ráo nước; tủy lợn chần qua, loại bỏ gân xơ; long nhãn dùng nước ấm rửa sạch; gừng tươi đập dập. Tất cả cho vào bát đem hấp cách thủy. Công dụng: Bổ ngũ tạng, an tâm thần, tăng trí lực và tăng cường chính khí.

Những cách thức trên đây khi phối hợp hài hòa, thực hành đều đặn và kiên trì sẽ rất hữu ích cho việc bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, năng lực miễn dịch, dự phòng và hỗ trợ trị liệu tích cực bệnh tật.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top