Ngày Môi trường thế giới 2020: Chủ động phục hồi hệ sinh thái

(khoahocdoisong.vn) - Thế giới có tổng cộng 8 triệu loài sinh vật thì có tới 1 triệu loài hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ trong vòng 10 năm, nguy cơ tuyệt chủng này đã tăng nhanh và mạnh gấp hàng trăm lần so với mức trung bình của cả 10 triệu năm.

Mối đe dọa đến từ chính con người

Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên”, với mục tiêu thúc đẩy các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học thông qua các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước. Hành động vì thiên nhiên cũng là tiếng gọi mỗi người chúng ta phải cùng chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái Đất.

Năm 2020 là năm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học khi bắt đầu Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021 - 2030), nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để chống khủng hoảng khí hậu và tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và đa dạng sinh học.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc từ năm 2019, cả thế giới có tổng cộng 8 triệu loài sinh vật thì có tới 1 triệu loài hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ trong vòng 10 năm, nguy cơ tuyệt chủng đã tăng nhanh và mạnh gấp hàng trăm lần so với mức trung bình của cả 10 triệu năm.

Các mối đe dọa lại đến từ chính con người. Từ sự  gia tăng dân số đến việc xây dựng công trình, thu hẹp môi trường sống, khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất công nghiệp dẫn tới biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, chúng ta đã làm biến đổi 75% đất đai của Trái Đất và 66% hệ sinh thái biển dưới nhiều hình thức khác nhau, gần 600 loài thực vật đã bị xóa sổ trong 250 năm qua.

Việt Nam tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học

Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới. Song với công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đã tạo sức ép lớn đến ĐDSH của Việt Nam.

Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Trong 2 năm qua, đã thành lập mới 2 khu bảo tồn đất ngập nước (khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và khu bảo tồn đất ngập nước Phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế)).

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, công tác tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã được chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua đã góp phần ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp, vừa góp phần bảo vệ ĐDSH của Việt Nam và thế giới.  

Các loài hoang dã nguy cấp được đánh giá và đưa vào Sách Đỏ, chú trọng bảo tồn. Công tác bảo tồn nguồn gene, quản lý việc tiếp cận nguồn gene và chia sẻ lợi ích đang được đẩy mạnh, đến nay, trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gene vào thực hiện hàng năm. Số lượng các nguồn gene quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng với 45.974 nguồn gene cây trồng nông nghiệp, 3.727 nguồn geen cây dược liệu, 887 giống vật nuôi, 207 giống thủy sản và 21.393 chủng vi sinh vật được lưu giữ.

Song song với đó, Bộ TN&MT đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đang dự thảo 7 điều có nội dung liên quan để góp phần làm tốt hơn công tác bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, tiến hành lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn ĐDSH, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào thiên nhiên; thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm các đối tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng...

Đồng thời, các công ty, nhà sản xuất cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững, không gây hại cho môi trường. Người dân và các tổ chức xã hội dân sự cùng phải tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên đang bị suy thoái...

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
back to top