Ngăn kinh tế suy thoái, nhưng “mở cửa” cách nào?

Theo các chuyên gia, nếu phong tỏa cứng, trên diện rộng được áp dụng liên tục trong thời gian quá dài, tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng chịu đựng, suy thoái rất dễ xảy ra.

Kinh tế đã tổn thương nghiêm trọng.

Theo báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4 khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Qua đó, tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.

Trong đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2021 đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ.

Về hoạt động thương mại, với 1,3 tỷ USD ước nhập siêu thêm trong tháng 8, thâm hụt thương mại 8 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam đã tăng lên ước tính 3,71 tỷ USD. Trong khi giai đoạn cùng kỳ năm trước xuất siêu tới 13,69 tỷ USD.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

cho-tan-dinh-quan-1-tphcm-dong-cua-nhieu-thang-qua-vi-dich-benh-bung-phat-manh.-.jpg
Chợ Tân Định, quận 1, TPHCM đóng của nhiều tháng qua vì dịch bệnh bùng phát mạnh. 

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, nền kinh tế có thể chịu đựng được thiệt hại, hồi phục ngay nếu giãn cách hay phong tỏa trong một thời gian ngắn.

Nhưng nếu phong tỏa cứng, trên diện rộng được áp dụng liên tục trong thời gian quá dài thì tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng chịu đựng, suy thoái rất dễ xảy ra.

Giãn cách, phong tỏa không chỉ bẻ gãy liên kết kinh tế bên ngoài TPHCM mà còn làm gãy cả liên kết kinh tế trong nội bộ TPHCM. Tổn thất này nếu kéo dài sẽ khiến không còn đủ nguồn lực chống dịch.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, đã xảy ra tổn thương nghiêm trọng ở ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ tại TPHCM trong tháng 7, đây là 2 ngành chiếm khoảng 87% GRDP của thành phố. Lao dốc tiếp tục diễn ra trong tháng 8, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, bằng 30% so với bình thường.

Doanh số xuất khẩu giảm đến 24,2% sau 2 tuần đầu tháng 8. Nguyên liệu thiếu hụt, tăng giá cùng với sự gia tăng tiền lương và chi phí sản xuất để tuân thủ yêu cầu 5K và/hoặc phải ngưng hoạt động, hay hoạt động với công suất thấp trong thời gian dài đã làm suy kiệt năng lực tài chính của doanh nghiệp gây nguy cơ mất thanh khoản, giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay. Dự báo cả cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp nếu không có hỗ trợ kịp thời, quy mô đủ lớn từ Nhà nước.

“Mở cửa” theo lộ trình

Mới đây, kết luận tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 1.269 xã, phường, quận, huyện… của 20 địa phương ngày 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.

Nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ quan điểm này và gợi ý nhiều phương án mở cửa kinh tế trở lại cho phù hợp.

TS Lý Ngọc Điệp, Trưởng nhóm kinh tế - dự án TPHCM thuộc Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu, nhận định mọi kịch bản phục hồi kinh tế, tái tạo việc làm… đều phải xây dựng trên khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Tại các nước như Singapore, Mỹ, New Zealand... việc mở cửa lại hoạt động kinh tế chia làm 3 giai đoạn. Chẳng hạn, giai đoạn 1 mở cửa các ngành thiết yếu không tụ tập đông người, không cần tiếp xúc nhiều với khách, bắt buộc giãn cách 2m, tránh tập trung dưới 10 người, bắt buộc đeo khẩu trang, tăng cường giao dịch online, giao hàng tận nơi hoặc nhận hàng tại chỗ...

Đến giai đoạn 2, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như bán lẻ, ăn uống, du lịch, rạp chiếu phim… được phép mở cửa nếu đảm bảo quy tắc giãn cách và vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, biên giới vẫn được thắt chặt. Các sự kiện quy mô lớn hơn 100 người bị hủy bỏ hoặc hạn chế quy mô. Người dân được yêu cầu làm việc từ xa, hạn chế di chuyển và tiếp xúc xã hội.

Giai đoạn 3, các sự kiện xã hội quy mô nhỏ hoặc có phương án giãn cách an toàn được phép mở lại; các hoạt động kinh doanh không thiết yếu được phép mở cửa hoàn toàn trong điều kiện đảm bảo giãn cách và vệ sinh an toàn...

hang-quan-tai-tphcm-dong-cua-im-im-suot-3-thang-qua..jpg
Hàng quán tại TPHCM đóng cửa im ỉm suốt 3 tháng qua.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, việc đầu tiên là phải nới lỏng biện pháp kiểm soát đi lại của người dân, trước hết là ưu tiên cho những người đã tiêm đủ 2 liều văcxin.

Ngay lúc này có thể tính đến phương án tiêm văcxin tăng cường theo khuyến cáo cho những nhóm đối tượng có rủi ro tiếp xúc lớn. Nới lỏng dần ưu tiên theo vùng xanh, đến vùng cam rồi vùng đỏ và ngày càng mở rộng phạm vi kiểm soát.

Về các lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực có tỷ lệ kiểm soát cao nhất, có thể mở lại trước là sản xuất. Trong đó ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, xuất khẩu, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng. Để làm được điều này cần ưu tiên tiêm văcxin cho các lực lượng lao động thuộc nhóm ngành nghề nêu trên.

Lưu ý đẩy nhanh văcxin cho lao động trong các doanh nghiệp theo chuỗi, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, sản xuất hàng thiết yếu như chuỗi lương thực, chuỗi rau củ quả, sau đó tới chuỗi xuất khẩu như chuỗi cá tra, chuỗi may mặc… Điều này sẽ tạo ra “chất keo” kết dính các doanh nghiệp một cách bền chặt, đảm bảo xuyên suốt chuỗi sản xuất. Sau sản xuất sẽ tới thương mại, rồi dịch vụ.

Tuy vậy, không cứng nhắc mà linh động, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, đảm bảo hoạt động an toàn có thể cho phép mở cửa.

Bước tiếp theo là nới lỏng cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", chuyển dần sang áp dụng mô hình "2 điểm đến xanh và 1 cung đường". Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ định vị để nhận diện và quản lý vấn đề dịch chuyển lao động.

Theo Đời sống
back to top