Ngân hàng ứng xử thế nào với lợi nhuận 2020?

(khoahocdoisong.vn) - Đã có những chính sách hỗ trợ về xử lý nợ xấu giúp ngành ngân hàng nhẹ gánh hơn trong những năm trước. Tuy nhiên, năm 2020, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành này dự kiến sẽ không còn được như giai đoạn trước đó.

Nhiều áp lực tăng nợ xấu

Còn nhớ vào thời điểm 10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động ngành ngân hàng Việt Nam đã xuất hiện một đầu mối xử lý nợ xấu – Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo cơ chế, công ty này mua lại nợ xấu ở các tổ chức tín dụng nhưng không trả bằng tiền mặt mà trả bằng trái phiếu đặc biệt.

Lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ của các tổ chức tín dụng là 335.630 tỷ đồng, tương ứng với dư nợ gốc nội bảng là 367.406 tỷ đồng. Trong đó, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 327.413 tỷ đồng (dư nợ xấu nội bảng 359.393 tỷ đồng), mua theo giá thị trường 8.207 tỷ đồng.

Vì có kỳ hạn 5 năm nên lượng trái phiếu do VAMC phát hành sẽ lần lượt đáo hạn kể từ năm 2018, các tổ chức tín dụng nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang nếu vẫn không xử lý được.

Bên cạnh việc phải đáo hạn theo quy định, cũng có nhiều ngân hàng đã chủ động tất toán trước hạn. Hiện đã có 14 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC như Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeaBank, Techcombank, OCB, BIDV, VPBank, Kienlongbank và VietCapitalBank.

Ngoài ra, theo thống kê tại báo cáo tài chính quý 1/2020, 6/18 ngân hàng niêm yết có công bố thuyết minh trái phiếu VAMC với tổng dư nợ là hơn 4,85 nghìn tỷ đồng, giảm từ mức 6 nghìn tỷ đồng cuối năm trước.

Thông thường, để xử lý các khoản nợ nhận về từ VAMC, các ngân hàng sẽ chia làm hai phần. Trong đó, một phần tiếp tục nhập vào nội bảng; phần còn lại được xử lý rủi ro luôn và theo dõi ở ngoại bảng.

Trong nhiều năm trước, khi ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh, công tác xử lý nợ xấu có nhiều tích cực nên phần nhiều các ngân hàng sẽ lựa chọn tiếp tục nhập nợ xấu vào nợ nội bảng. Thực tế, nợ nội bảng năm 2019 của hầu hết các ngân hàng đều tăng so với năm liền trước cả về con số tuyệt đối lẫn tỷ lệ phần trăm nhưng vẫn trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, sang năm 2020, dịch Covid-19 diễn ra tác động tiêu cực tới tất cả nhóm ngành của nền kinh tế, nợ xấu của ngành ngân hàng theo đó cũng được dự báo sẽ tăng mạnh. Ngân hàng Nhà nước đánh giá sơ bộ, khoảng 2 triệu tỷ đồng, tương đương 23% dư nợ của ngành tiềm ẩn rủi ro nợ xấu.

Dù phía nhà điều hành đã ban hành quy định, hướng dẫn giãn nợ, cơ cấu chưa chuyển nhóm nợ nhưng đa số các ngân hàng vẫn chọn phương án xử lý luôn nợ nhận lại từ VAMC để tránh tình trạng nợ xấu vượt quá 3%.

Với phương án xử lý luôn, ngân hàng cần phải trích lập dự phòng đầy đủ để có nguồn xử lý, việc này đồng nghĩa sẽ gây áp lực tăng chi phí trích lập dự phòng hiện tại.

Ở khía cạnh khác cũng liên quan đến dịch bệnh Covid-19, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bị mất thanh khoản và dẫn đến nợ xấu, ngành ngân hàng đã chấp nhận giảm doanh thu để chung tay xây dựng gói tín dụng hỗ trợ lên tới 600.000 tỷ đồng.

Gỡ khó cho lợi nhuận 2020

Do đủ mọi áp lực từ nợ xấu gây ra như trên, nhiều ngân hàng phải chấp nhận đi chậm lại trong năm 2020. Số liệu của FiinGroup tổng hợp từ 12/18 ngân hàng niêm yết, chiếm 91,8% vốn hoá toàn ngành đã công bố chỉ tiêu kế hoạch 2020 sau đại hội cổ đông hoặc được các chuyên viên phân tích đưa ra dự báo cho thấy, dự kiến lợi nhuận sau thuế ngành ngân hàng sẽ giảm 11,9%.

Theo cơ quan này, báo cáo tài chính quý 1/2020 của các ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ chi phí dự phòng có thể gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những khó khăn về lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp.

“Số liệu từ cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 cho thấy, chi phí dự phòng phát sinh thường có độ trễ rất dài do việc xác định các ảnh hưởng đòi hỏi thời gian đánh giá và phân tích cũng như do sự thay đổi về các chính sách hạch toán kế toán để thích ứng của ngành”, đại diện FiinGroup nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính cho rằng, lợi nhuận ngân hàng 2020 khó có thể tăng trưởng nhanh như thời gian trước. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể gỡ khó một phần bằng cách vận dụng tối đa Nghị quyết 42.

“Nghị quyết 42 ra đời đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm. Trong tình hình hiện nay, ngân hàng càng phải vận dụng để giải quyết các khoản nợ xấu tồn đọng. Thực tế, sau giãn cách xã hội, nhiều ngân hàng đã ráo riết phát mãi tài sản bảo đảm từ giá trị vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý gần 26.940 tỷ đồng nợ xấu” - vị chuyên gia này nói.

Mặt khác, chuyên gia này cho rằng các ngân hàng nên có chiến lược tập trung vào tài trợ dự án, tư vấn dịch vụ M&A. Bởi lẽ, Việt Nam hiện là một trong những nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Trong thời gian qua, tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Xu thế mới trong dịch chuyển dòng vốn FDI là sự gia tăng nhanh của hoạt động M&A, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài.

“Ngân hàng phải đánh giá được tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó đón đầu xu hướng bằng việc triển khai hợp tác với các đối tác FDI chuyên phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu chế xuất. Hành động này nhằm chung tay đóng góp vào công cuộc đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam. Đồng thời cũng là gia tăng lợi nhuận từ mảng dịch vụ của chính các ngân hàng”, vị chuyên gia trên hiến kế.

Được biết, mục tiêu của VAMC trong năm 2020 sẽ mua 5.000 tỷ đồng dư nợ xấu theo giá thị trường và 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu đặc biệt. Như vậy, một số ngân hàng được mua lại nợ xấu sẽ chưa phải trích lập gấp dự phòng rủi ro, lợi nhuận 2020 theo đó cũng được giữ lại đáng kể.

Theo Đời sống
back to top