Ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đã liên tục công bố giảm lãi suất để hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch.

Ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch ảnh 1Khách hàng giao dịch tại phòng giao dịch VietinBank Cổ Linh, Chi nhánh Chương Dương, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước bối cảnh trên, các ngân hàng đã liên tục công bố giảm lãi suất để hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua đại dịch.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đây là đợt giảm lãi suất thứ 9 của Vietcombank để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Đáng chú ý, nếu đáp ứng điều kiện, các khách hàng đã được giảm lãi suất theo chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giai đoạn 3 của Vietcombank triển khai ngày 15/7/2021 sẽ được tiếp tục giảm thêm lãi suất theo chính sách hỗ trợ lần này.
Trước đó, Vietcombank đã triển khai chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021 với mức giảm từ 0,5-1%/năm tuỳ đối tượng khách hàng với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ đồng.
Cũng nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố dành nguồn ngân sách lên đến 1.000 tỷ đồng để thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp từ nay đến 31/12/2021.
Cụ thể, BIDV giảm từ 0,5-1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, do tác động của dịch COVID-19. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort...
Ngân sách BIDV dành hỗ trợ đối với dư nợ hiện hữu, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, lên đến 800 tỷ đồng. Đặc biệt, các khách hàng đã từng được áp dụng các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này.
Đồng thời, BIDV cũng triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.
Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), một gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng vừa được bổ sung, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất tại VietinBank lên tới 150.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021.

Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 15/10/2021.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) giảm tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu, tập trung vào một số ngành như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế…
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dành gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi. Trong đó, MSB giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.

Đồng thời, MSB thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp là khách hàng hiện hữu và doanh nghiệp mới thuộc các lĩnh vực trọng tâm như: kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại dược – y tế, xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước… với mức lãi suất từ 5,5%/năm với VNĐ và từ 3%/năm với USD.
Từ ngày 15/7, HDBank cũng giảm lãi suất cho vay bình quân 1%/năm và cao nhất lên đến 2%/năm đối với các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay kể từ sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng hồi tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế….; đồng thời, tiếp tục ưu đãi hoặc miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Sacombank cũng triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi được ngân hàng áp dụng từ ngày 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Liên quan đến việc thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tại công văn số 5901/NHNN-TD vừa được ban hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Công văn 248/NHNN-PLVN ngày 16/7/2021 để giữ uy tín của mỗi ngân hàng cũng như toàn ngành nói chung trước người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Công văn nêu rõ, việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể; đồng thời, chủ động truyền thông trên báo chí về các chính sách của mình, thông tin cho khách hàng cụ thể về chính sách giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng; đồng thời sẽ tăng cường giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2-1,5%. Bảy tháng năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%.
Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại giảm sâu các loại phí cho khách hàng.
Phó Thống đốc khẳng định: “Việc giảm suất và giảm phí này là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất cũng như đảm bảo việc tiếp cận vốn lãi suất rẻ của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết trên của các ngân hàng thương mại để làm sao từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp”./.

 

Theo bnews.vn
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top