Ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh chứng khoán để tăng lợi nhuận

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi để tăng lợi nhuận, đặc biệt thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư (CKĐT).

Trong quý 1/2020, nhiều ngân hàng ghi nhận khoản thu nhập từ CKĐT tăng theo cấp số nhân. Khoản thu này của Techcombank trong 3 tháng đầu năm đã tăng gấp 11,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận khoản lãi 480 tỷ đồng, góp phần đưa lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đạt 2.061 tỷ đồng, tăng 8%.

Tương tự, khoản lãi từ mua bán CKĐT của Ngân hàng ACB cũng tăng lên 18 lần tương ứng 330 tỷ đồng so với mức lãi 18,4 tỷ đồng của quý 1/2019

Lợi nhuận quý 1/2020 của ngân hàng An Bình tăng lên gấp 3 lần, một phần là nhờ khoản lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán tới 162 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

SeABank cũng góp tên trong danh sách ngân hàng mua bán chứng khoán hiệu quả khi có mức lãi tăng gấp 30 lần cùng kỳ năm ngoái, từ 3 tỷ đồng lãi tăng vọt lên 102 tỷ đồng, mang về khoản lợi nhuận sau thuế cho ngân hàng tới 345 tỷ đồng.

Một loạt các ngân hàng khác như Bản Việt, OCB, VPbank, Vietbank... cũng báo lãi "khủng" từ kinh doanh CKĐT, đóng góp tỷ trọng không nhỏ vào tổng lợi nhuận của nhà băng. 

Theo lãnh đạo của một ngân hàng, đầu tư chứng khoán không chỉ giúp ổn định thu nhập, mà các ngân hàng còn có thể mua và giữ lại để cân bằng rủi ro. Ngoài ra, CKĐT loại hình sẵn sàng để bán dễ dàng giao dịch, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đầu tư chứng khoán đều có lãi. Một số ít ngân hàng báo lỗ từ hoạt động kinh doanh này. Ví dụ như HDBank ghi nhận khoản lỗ 32 tỷ đồng từ mua bán CKĐT, LienViet PostBank lỗ 64 tỷ đồng. Tuy nhiên, số ngân hàng báo lỗ từ mảng kinh doanh này trong quý 1/2020 chiếm không nhiều.

Ngoài trái phiếu, tín phiếu cũng là một trong những loại hình được ngân hàng lựa chọn. Tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành nên gần như không có rủi ro. Từ tháng 2, NHNN liên tục phát hành tín phiếu trong 6 tuần liên tiếp, đưa giá trị lượng chứng khoán nợ này lưu hành trên thị trường ở mức 147.000 tỷ đồng. Điển hình, VIB đã mua vào gần 14.000 tỷ đồng tín phiếu, VP Bank cũng đã mua hơn 9.038 tỷ đồng tín phiếu của NHNN.

Theo Đời sống
back to top