Ngân hàng chi trăm nghìn tỷ mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN bỗng dưng lo... ảo !!!

(khoahocdoisong.vn) - Các ngân hàng tăng mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 9 tháng của năm 2020. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định việc mua, bán TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD), với mục tiêu - như tuyên bố của NHNN - là giúp quản lý hoạt động này "chặt chẽ" hơn.

Nghi là công cụ giấu nhiều thứ "xấu"!

Theo SSI, hết 9 tháng của năm 2020, lượng TPDN phát hành trên thị trường tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 341.000 tỷ đồng. Cũng thời gian này, lượng trái phiếu mua vào của nhiều ngân hàng đã tăng gấp 2 - 3 lần. TPDN mà Ngân hàng Techcombank nắm giữ đến hết tháng 9/2020 là 54.400 tỷ đồng, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với đầu năm, và tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Lượng trái phiếu này chiếm 19,5% tổng dư nợ tín dụng của Techcombank.

Tại MB, danh mục TPDN cũng tăng gấp đôi so với đầu năm, với tổng giá trị nắm giữ lên tới 27.500 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ hơn 14.400 tỷ đồng). Tại SeaBank, lượng TPDN nắm giữ thậm chí còn tăng 3,5 lần… Thống kê sơ bộ, có tới khoảng 40% TPDN bất động sản phát hành được các ngân hàng mua lại.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, rất có thể ngân hàng “lách” luật cho vay đảo nợ bằng trái phiếu. NHNN cũng khẳng định, đã phát sinh việc tổ chức tín dụng mua TPDN với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để cơ cấu lại nợ.

Qua kiểm tra, NHNN cũng phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động. Nhưng thực tế là góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục góp vốn, mua cổ phần... khiến tổ chức tín dụng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu.

Theo một số chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng mạnh tay chi hàng tỷ USD mua TPDN rồi mua đi bán lại chéo giữa các ngân hàng trong vài tháng qua có thể là một công cụ “phù phép” giúp gia tăng ảo nguồn vốn huy động và hợp thức hóa việc đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn, an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41/NHNN.

Trong bối cảnh dịch bệnh, sức cầu nhà đất giảm mạnh, các ngân hàng thắt chặt việc cho vay lĩnh vực này khiến không ít doanh nghiệp có khoản nợ ngân hàng đến kỳ phải trả không biết lấy đâu ra tiền đảo nợ. Lo ngại nợ quá hạn, nợ xấu không thể tiếp tục được vay vốn buộc các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản phải chọn phương án phát hành trái phiếu lãi suất cao để hút vốn. Và việc các ngân hàng “ôm” TPDN bất động sản có thể không ít trường hợp là cơ cấu lại nợ.

Việc ngân hàng đa dạng hóa danh mục trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn là một giải pháp đảm bảo lợi nhuận. Nhưng nhìn vào kết quả báo cáo 9 tháng đầu năm, có thể thấy không ít ngân hàng kinh doanh khả quan là nhờ sự “xoay chuyển”, “phù phép” này. Việc các ngân hàng mạnh tay mua TPDN rồi sang nhượng chéo với nhau gây ra nỗi lo “cải thiện giả” vốn huy động nhằm đối phó với yêu cầu của NHNN trong việc cho vay trung và dài hạn. Chiêu thức “phù phép” này cũng tạo ra những kết quả kinh doanh “đẹp ảo”, trong khi thực tế mệnh giá TPDN mà các ngân hàng nắm giữ thấp hơn giá vốn, khả năng sinh lời chỉ trên sổ sách.

Siết để quản, rủi ro vẫn cao

Việc ngân hàng mua TPDN, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được nhiều chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, việc cấm ngân hàng mua trái phiếu đảo nợ rất khó khả thi. 

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù NHNN đã có quy định về hạn mức tín dụng với người liên quan. Nhưng thực tế, nhiều khoản giao dịch trái phiếu giữa ngân hàng với công ty “cháu chắt” là giao dịch đảo nợ mà NHNN không kiểm soát hết được. Ngân hàng hiện là một trong những nhà phân phối trái phiếu lớn nhất trên thị trường. Nhưng hầu hết trái phiếu mà ngân hàng phân phối đều không có tài sản đảm bảo. Ngân hàng sau khi mua TPDN liền bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp, “nhường” toàn bộ rủi ro cho nhà đầu tư gây ra những bất ổn tiềm ẩn trên thị trường tín dụng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng nhận định, ở Việt Nam mua TPDN đang có nguy cơ gặp rủi ro từ mọi phía. Do doanh nghiệp “xào nấu” số sách kế toán rất dễ dàng. Nếu doanh nghiệp cố tình làm đẹp sổ sách mà các trái chủ ôm nhiều trái phiếu, nguy cơ “vỡ trận” do doanh nghiệp không có khả năng thanh toán là rất cao.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trước thực trạng trên, công tác quản lý giám sát được tăng cường thông qua các đoàn kiểm tra liên Bộ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ có văn bản yêu cầu các đối tượng tham gia thị trường tuân thủ quy định của pháp luật và chấn chỉnh việc phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với NHNN, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ tăng cường giám sát liên thông trên thị trường tài chính. Đề nghị NHNN tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ về TPDN của TCTD. Và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ về TPDN...

Ông Dương cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có kế hoạch phát hành trái phiếu xanh trong năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng thêm tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm nên kế hoạch phát hành trái phiếu xanh theo đó cũng bị kéo dài.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành VinaCapital, phụ trách Khối Đầu tư Trái phiếu và Chứng khoán niêm yết cho biết, để tránh rủi ro VinaCapital chú trọng đầu tư vào lĩnh vực trái phiếu xanh. Đây là lĩnh vực đầu tư có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới bởi lĩnh vực đầu tư sạch, bao gồm: môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp… tính an toàn cao, hiệu quả sinh lời chắc chắn.

Theo Đời sống
back to top