Ngạc nhiên chưa, ngân hàng lãi lớn năm Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Dù chưa kết thúc năm tài chính 2020, nhiều ngân hàng cho biết đã hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm. Thu nhập lãi thuần tăng cao do khoảng cách khá xa giữa lãi suất cho vay và huy động.

Lãi suất cho vay cao gấp đôi lãi suất huy động

Đến cuối tháng 11/2020, trần lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn và đạt mức sâu nhất trong nhiều năm. Cụ thể, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động quanh mức 3,1 - 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện phổ biến 3,5 - 6,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng là khoảng 5,5 - 7%/năm. Lãi suất huy động giảm sâu giúp các ngân hàng giảm được mức lớn chi phí vốn, giảm tới 38 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019. Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn, 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Tỷ lệ chênh lệch lớn giữa lợi suất tài sản và giảm áp lực chi phí vốn đã giúp biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong quý 3/2020. Tổng hợp số liệu của gần 30 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), hệ số NIM bình quân đạt mức 3,7%, tăng 40 điểm cơ bản so với quý 2/2020. Đây là mức NIM cao nhất được ghi nhận trong 12 quý liên tiếp gần đây.

Tại Ngân hàng Quốc tế VIB, hệ số NIM quý 3/2020 được nới rộng 56 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2019, đạt 4,56%.

Hệ số NIM của BIDV trong quý 3/2020 cũng được cải thiện đáng kể, tăng 60 điểm cơ bản lên 2,57%, phản ảnh mức chênh lệch tích cực giữa lợi suất cho vay và chi phí vốn. Nhờ đó, thu nhập lãi thuần của BIDV tăng 31,8% so với quý 2 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 9,1 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng Tiên Phong (TPB) duy trì tốt NIM, đạt 4,29% trong 9 tháng năm 2020, nhờ lợi suất cho vay cao hơn và lãi suất tiền gửi giảm. Thu nhập lãi thuần tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Vietinbank đã hoàn nhập khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi cho các khoản vay tái cơ cấu, làm giảm tỷ lệ NIM. Tuy nhiên, nhờ tăng lãi suất cho vay, với lãi suất trung bình là 7,87%/năm, NIM của Vietinbank vẫn cải thiện, tương đương Vietcombank và cao hơn BIDV.

Lãi suất cho vay bình quân của Techcombank vượt mức năm trước lên 9,96%/năm trong quý 3/2020, cao hơn mức 8,35%/năm trong năm 2019. Về mặt huy động, mức cắt giảm lãi suất của Techcombank cao gấp đôi so với mức bình quân ngành. Lãi suất huy động bình quân ở mức 3,22%/năm. Do đó, NIM trong quý 3/2020 tăng 127 điểm cơ bản, lên 5,59%. Thu nhập lãi ròng tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,2 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng lãi lớn bất chấp suy thoái

Báo cáo tài chính quý 3/2020 của các ngân hàng cho thấy, hầu hết đều ghi nhận thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm tăng tới 7,6% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu nhờ NIM tăng mạnh.

Dự báo, trong quý 4/2020, NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm trong khi lãi suất cho vay khá ổn định. Thậm chí, lãi suất cho vay có thể nhích lên, do các gói lãi suất cho vay ưu đãi được triển khai trước đó cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã dần kết thúc trong quý 3/2020. Bất chấp dịch bệnh, nhiều ngân hàng có mức thu nhập lãi thuần cao nhất trong lịch sử.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - ngân hàng, lãi suất huy động giảm mạnh thời gian qua giúp các ngân hàng tiết giảm đáng kể chi phí vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng lại giảm không nhiều lãi suất đầu ra. Minh chứng là lợi nhuận từ hoạt động cho vay của các ngân hàng vẫn tăng mạnh, dù tín dụng tăng chậm.

Mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực. Nguyên nhân có thể là do sức ép của lạm phát, chi phí hoạt động nền kinh tế cao, nợ xấu lớn. Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất. Tác dụng của chủ trương giảm lãi suất vì thế chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế đang bị “tổn thương” do đại dịch Covid, nhiều doanh nghiệp hết sức khó khăn. Ngân hàng không nên tiếp tục hạ thêm lãi suất huy động trong thời gian tới. Thay vào đó, khuyến khích các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, để đảm bảo công bằng. Việc giảm lãi suất không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng mà còn giúp ngân hàng tránh được nợ xấu do doanh nghiệp không đủ khả năng trả lãi cao.

“Ngoài ra, nếu lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tiền sẽ chảy khỏi ngân hàng vào những kênh đầu tư rủi ro khác như vàng, Forex, bất động sản… Khi đó, các nhà băng dễ bị đẩy vào tình trạng bẫy thanh khoản”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, các doanh nghiệp kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay mới mức 4 - 5% với VND. Trong khi lãi suất cho vay hiện tại từ 8,5%/năm đến 11%/năm là khá cao, nhiều doanh nghiệp không dám vay tiền.

Bà Kim Toán, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tiến Thọ (Phú Thọ) chia sẻ: “Dịch bệnh hoành hành, doanh thu giảm hơn nửa, nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động. Chúng tôi cần phải thanh toán các chi phí sản xuất, trả lương cho công nhân. Do đó, chúng tôi rất cần sự chia sẻ từ phía ngân hàng, để chờ kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bình thường trở lại. Tuy nhiên, với mức lãi suất cho vay tại thời điểm này dường như không có thay đổi nhiều so với đầu năm. Trả lãi vay cũng là gánh nặng cho chúng tôi khi phải trả đủ, trả đều, không được giảm so với thời điểm trước dịch”.

Theo Đời sống
back to top