Nếu có thể đoán trúng đề hơn 90% thì học sinh không cần học nữa

Vụ việc nội dung ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) được chỉ ra giống đề thi Sinh chính thức đến trên 90% vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận cũng như các giáo viên.

Kể cả không lộ đề cũng là bất thường, cần xử lý

Trao đổi với Khoa học và Đời sống về việc này, PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, theo kinh nghiệm của ông, một giáo viên dày dạn kinh nghiệm trong luyện thi có thể đoán trúng được đề nhiều hơn. Tuy nhiên, thường thì chỉ từ 10 – 15% chứ không thể đến mức trên 90% như thế được.

de-thi-sinh-4.jpg
Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Mai Nguyễn.

Đặc biệt, lại trùng cả từ kênh chữ tới kênh hình ảnh, và có câu lại chưa hề xuất hiện trong sách giáo khoa hay bất cứ một tài liệu nào thì đây là sự rất bất thường.

Đứng trước sự bất thường như thế, thì cần phải làm rõ, xem lý do xuất phát từ đâu: Hoặc là vì một lý do nào đó khiến đề bị lộ; hoặc là ở quy trình ra đề của Bộ GD&ĐT. Nhưng ở khía cạnh nào thì cũng vẫn là có vấn đề, kể cả trong trường hợp thầy Nghệ chứng minh rằng đó chỉ là ngẫu nhiên.

Bởi Bộ GD&ĐT có ngân hàng đề, những người ra đề là đội ngũ giáo viên giỏi. Vậy mà lại để cho một giáo viên có thể đoán đúng trên 90% thì kỳ thi không còn ý nghĩa nữa, và nên đặt câu hỏi về giá trị của ngân hàng đề này.

Theo ông Tùng, Bộ trưởng GD&ĐT đã nhấn mạnh tới việc thực hiện chủ trương “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Khi có sự bất thường xảy ra, lẽ ra, ở vai trò quản lý, ngay khi sự việc xảy ra, Bộ GD&ĐT cần phải có xử lý rõ ràng để tạo niềm tin cho giáo viên.

Việc chậm trễ trả lời của Bộ GD&ĐT có thể khiến chính cộng đồng giáo viên hoài nghi lẫn nhau, chia phe. Trong khi đó, sự đồng thuận trong giáo viên, niềm tin vào năng lực quản lý của Bộ rất quan trọng.

Và nếu sự việc không được xử lý đến cùng, thì điều nguy hiểm nhất là sẽ ảnh hưởng đến các thí sinh. Các em sẽ hoài nghi về sự công bằng trong thi cử.

Đặc biệt, khi mà một giáo viên có thể đoán trúng đề thi chính thức tới hơn 90%, thì rất có thể sẽ khiến các em có tâm lý không cần học nhiều nữa, chỉ cần chọn thầy cô giáo đoán trúng đề theo. Nhất là với những lớp VIP, chỉ cần ôn vài buổi cũng đã trúng gần như tuyệt đối đề rồi.

Một kỳ thi thiếu công bằng cũng còn gây hệ lụy khi các em không thực sự có năng lực xứng đáng lại "thế chỗ" của những bạn có năng lực hơn.

Khi vào trường, rất có thể các em không theo đuổi được chương trình học, phải bỏ học giữa chừng. Hoặc nếu cố gắng ra được trường, thì cũng khó có được một “đầu ra” tốt so với các bạn có “đầu vào” bằng năng lực thực sự. Điều này, tạo gánh nặng đào tạo cho các trường đại học.

“Cho nên, tôi rất mong Bộ GD&ĐT sớm có câu trả lời và xử lý thỏa đáng vụ việc”, ông Tùng nói.

Rất khó để trùng hợp ngẫu nhiên lên tới trên 90%

Trao đổi với Khoa học và Đời sống, ThS Phạm Thị Phương Anh, giảng viên khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Huế cho biết, cô dạy môn Đánh giá kết quả giáo dục. Trong đó, có dạy cho SV cách ra đề trắc nghiệm nói chung và ra các câu hỏi trắc nghiệm nói riêng.

Trong quá trình cho sinh viên ra câu trắc nghiệm, cho dù cho cùng một vấn đề, mỗi sinh viên sẽ có cách triển khai ý tưởng và hành văn khác nhau. Rất khó có sự trùng lặp từng câu, từng chữ ở một số câu như trong đề của thầy Nghệ so với đề chính thức.

Điển hình là câu ra về sự hình thành loài trên các đảo. Đây là một câu rất mới, hình ảnh các đảo có xuất hiện trong một vài đề thi thử nhưng câu chữ và ý tưởng trong các đề này thì rất khác. Đây là điểm bất thường thứ nhất.

de-thi-sinh-3.jpg
Câu về hình thành loài trên các đảo trong đề chính thức.
de-thi-sinh-2.jpg
Câu về hình thành loài trong video thầy Nghệ

Một điểm bất thường thứ hai, là với chỉ có 3 buổi dạy, mà số câu hỏi theo cô quan sát khoảng 70-80 câu, trong khi đó trùng tới trên 90% đề Bộ ra thì điều này là một vấn đề cần xem xét. Việc này rất khác so với việc khi thầy Nghệ dạy cả khóa học với 40 đề và số câu trùng đó xuất hiện ngẫu nhiên trong nhiều đề khác nhau.

Bởi vì mục tiêu của thi theo hình thức trắc nghiệm chính là để tránh hiện tượng “tủ đề”. Khó có thể cho rằng dùng kinh nghiệm luyện thi lâu năm để đoán trúng đề chỉ với vài buổi dạy.

Cô đã đọc những câu trả lời của thầy Nghệ với báo chí thì thấy không thỏa đáng. Rõ ràng đây không phải là chuyện bình thường, vì rất khó để có thể trùng hợp ở tỷ lệ hơn 90% với chỉ 3 buổi dạy như vậy.

Về việc chậm lên tiếng của Bộ GD&ĐT, cô Phương Anh cho rằng, lẽ ra khi dư luận lên tiếng và các giáo viên đã gửi đơn thư đích danh cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì Bộ GD&ĐT nên có hồi đáp sớm cho giáo viên.

Cô là một trong những giáo viên lên tiếng từ đầu và hằng ngày vẫn ngóng chờ xem Bộ GD&ĐT trả lời thế nào. Sự chậm trễ trả lời của Bộ cũng đã gây một số chia rẽ trong cộng đồng giáo viên.

Theo đó, những người đấu tranh bị "mang tiếng" vì ghen tức, cạnh tranh với thầy Nghệ nên mới làm vậy. Trong khi, nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, trong đó có cô chỉ mong muốn sự việc được làm rõ vì quyền lợi của học sinh.

Bản thân cô cũng thừa nhận thầy Nghệ rất giỏi, và từ trước đến nay vẫn rất tôn trọng thầy. Tuy nhiên, cô rất mong vụ việc sẽ sớm được Bộ GD&ĐT phối hợp làm rõ, dù là vì lý do nào thì sự rõ ràng cũng đem lại niềm tin của học sinh và giáo viên đối với Bộ GD&ĐT.

Liên quan đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh học trùng đề ôn tập bất thường, tại cuộc họp báo của Bộ Công an chiều 28/12, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, ngay sau khi dư luận, báo chí thông tin về vụ việc, Bộ công an đã đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập tổ công liên ngành vào cuộc xác minh.

"Chúng tôi đã phát hiện một số tồn tại sơ hở trong ra đề và xây dựng ngân hàng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi đã có một số kiến nghị liên quan đến công tác thi và ra đề thi để kỳ thi những năm tới được tổ chức tốt hơn. Đồng thời chúng tôi cũng đang điều tra, xác minh dấu hiệu lộ, lọt đề thi", đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ cho biết.


Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top