nCoV càng tiến hóa càng ít nguy hiểm?

Một số chuyên gia cho rằng các biến chủng sau này của nCoV ít nguy hiểm hơn, song những người khác phản đối ý tưởng đó, nhận định Covid-19 vẫn là mối đe dọa cộng đồng.
ncov.jpg

Thời gian gần đây, nhiều nhà khoa học thảo luận về hai quan điểm phổ biến: "Các biến chủng nCoV thế hệ sau sẽ nhẹ dần" và "Covid-19 sẽ trở thành mầm bệnh theo mùa".

Ý tưởng này dựa trên kinh nghiệm y tế nhiều năm đối với bệnh cúm. Hai loại virus gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và cúm lợn năm 2009 đều ít nguy hiểm hơn theo thời gian. Nhiều người nhận định Omicron là dấu hiệu cho thấy đại dịch chấm dứt.

Theo ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Cơ quan Y tế Liên bang Nga, biến chủng mới xuất hiện lần đầu ở Nam Phi dễ lây lan, nhưng cũng có dữ liệu chỉ ra rằng nó gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, không làm tổn hại phổi. 

Omicron có thể khiến Covid-19 trở thành mầm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa thông thường. Thực tế, nhiều chuyên gia trước đó cũng ủng hộ quan điểm này.

aartqe8.jpg

Monica Gandhi, bác sĩ truyền nhiễm, giáo sư y khoa tại Đại học California - San Francisco, Mỹ nhận định, virus thường tiến hóa để dễ lây lan hơn, chứ không gây tử vong nhiều hơn. 

Dù vậy, một số nhà khoa học khác phản bác luận điểm này. Họ chỉ ra rằng trước khi thực sự suy yếu, virus cúm năm 1918 trở nên chết chóc hơn bao giờ hết. Các loại virus khác, chẳng hạn Ebola, nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Thực tế, nCoV không gây chết người ở thời điểm nó nhân lên nhiều, dễ lây nhiễm nhất. Người bệnh thường qua đời từ hai đến ba tuần sau khi khởi phát triệu chứng. Như vậy, virus sẽ giữ cho các F0 không tử vong quá sớm, đủ để lây lan thêm nhiều người khác.

Omicron dường như ít nghiêm trọng so với Alpha hoặc Delta, song hai biến chủng này đều nguy hiểm hơn phiên bản virus ở Vũ Hán ban đầu. Bên cạnh đó, virus không tiến hóa một chiều. Omicron không phát triển từ Delta, Delta cũng không phát triển từ Alpha. Các đột biến xuất hiện ngẫu nhiên và khó dự đoán hơn thế.

GS David Robertson, Trưởng khoa gene và thông tin sinh học tại Đại học Glasgow cho biết: "Các biến chủng đáng quan tâm này không liên hệ với nhau. Nếu mô hình đó tiếp diễn, biến chủng khác xuất hiện trong 6 tháng tới có thể còn tồi tệ hơn".

Khi Omicron lây nhiễm quá nhiều người, nó sẽ mất đi lợi thế ban đầu. Đây là cơ hội để virus tạo ra các phiên bản né tránh được hệ miễn dịch.

Nhiều chuyên gia cũng dè dặt với ý tưởng Covid-19 sẽ trở thành mầm bệnh đặc hữu, tồn tại theo mùa, tỷ lệ lây nhiễm có thể dự đoán và không nằm ngoài tầm kiểm soát.

Stephen Griffin, phó giáo sư virus học Đại học Leeds cho biết: "Đậu mùa, bại liệt, sốt Lassa, sốt rét là bệnh đặc hữu. Sởi và quai bị là bệnh đặc hữu, nhưng mức độ nguy hiểm của chúng phụ thuộc nhiều vào chương trình tiêm chủng. Mầm bệnh đặc hữu không hề bớt nguy hiểm".

lassa.jpg
Sốt xuất huyết Lassa được đặt tên theo tên một thị trấn miền Bắc Nigeria nơi căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1969.

Khi ngày càng nhiều người có miễn dịch từ văcxin hoặc nhiễm bệnh tự nhiên, virus gây ra ít ca nặng hơn. Nhưng sau đó, nó có thể trỗi dậy. Cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng đó là tiêm chủng. Theo các chuyên gia, càng ít người nhiễm bệnh, Covid-19 càng ít cơ hội phát triển. Song thế giới chưa đạt đến giai đoạn đó.

Việc sống chung với Covid-19 cần nhiều hơn một chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Nó đòi hỏi nỗ lực toàn cầu nhằm giám sát biến chủng, hỗ trợ các nước giải quyết ổ dịch ngay từ khi chúng bùng phát.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top