Nắng nóng dị thường không khác gì đại dịch

(khoahocdoisong.vn) - Thế giới và Việt Nam vừa ghi nhận nhiều kỷ lục nắng nóng lịch sử trong tháng 7 và đầu tháng 8. Các nhà khoa học cảnh báo, chúng ta sẽ phải sống với nền nhiệt tăng sốc kèm theo các thiên tai cực đoan. Sẽ xuất hiện những làn sóng di dân, những thành phố không hoạt động vì nắng nóng quá mức, chẳng khác gì bị phong tỏa bởi Covid-19...
Nắng nóng kỷ lục xảy trong đầu tháng 8 gây cháy rừng nghiêm trọng ra nhiều nơi trên thế giới.

Nắng nóng kỷ lục xảy trong đầu tháng 8 gây cháy rừng nghiêm trọng ra nhiều nơi trên thế giới.

Màn dạo đầu nguy hiểm

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) vừa công bố báo cáo quan trọng về khí hậu, khẳng định, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm ở khắp nơi trên thế giới trong những tháng gần đây chỉ là màn dạo đầu về những gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất tiếp tục nóng dần lên.

Vừa qua, người dân châu Âu đã trải qua một đợt nắng nóng lịch sử 48°C tới gần 50°C hàng chục năm nay mới xảy ra. Hy Lạp đang phải chống chịu cái nắng như thiêu như đốt chưa từng xảy ra 35 năm qua với 84 vụ cháy rừng chỉ trong một ngày. Tại Phần Lan cũng đã xảy ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua. Cũng do nắng nóng, nhiều quốc gia như Pháp, Ý, Tây Ban Nha... đều đang phải chiến đấu với giặc lửa để bảo vệ rừng.

Nhiều thành phố ở Bắc Mỹ và Tây Canada đã ghi nhận mức nhiệt phá vỡ kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Nắng đã làm chảy dây cáp điện, gây biến dạng đường nhựa và làm nứt kính ô tô để ngoài trời.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tại Việt Nam, cuối tháng 7 đầu tháng 8 đã diễn ra nhiều đợt nắng nóng dị thường cả ở miền Bắc và miền Trung. Trong những ngày đầu tháng 8, Thủ đô Hà Nội đã nắng nóng cả ngày lẫn đêm liên tiếp 8 ngày, dài hơn hẳn so với những năm trước và cũng dài hơn hẳn so với năm 2015 là năm El Nino.

Không chỉ bất thường về thời gian, cường độ nắng nóng cũng gay gắt hơn. Trạm quan trắc Hà Đông, Hà Nội đã ghi nhận nắng nóng lên tới 39°C - là ngày nắng nóng nhất trong tháng 8 so với kỷ lục trước là 38,5°C (năm 2019). Ở miền Trung, các trạm khí tượng cũng quan trắc được nắng nóng kỷ lục tháng 8 từ 39,7 - 40,1°C. Nắng nóng làm nhiều diện tích rừng miền Trung bị thiêu rụi, mía chết trắng đồng, lúa hè thu khu vực Trung bộ rơi vào tình trạng hạn hán thiếu nước.

Tổng cục Thủy lợi cảnh báo, diện tích lúa hè thu hạn hán trong tháng 8 có thể tăng lên 4.000 - 5.000ha ở khu vực Nam Trung bộ. Bà con cần có kế hoạch tích trữ nước phù hợp để ứng phó.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm nay không phải là năm El Nino cực điểm lịch sử như năm 2015 nhưng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến bề mặt Trái Đất nóng lên. Nắng nóng kỷ lục bất thường ở nước ta những ngày qua là do gió mùa Tây Nam gây hiệu ứng foehn (gió phơn) ở Trung và Nam Trung bộ hoạt động mạnh hơn hẳn. Hàng năm cao nhất chỉ gió cấp 4 - 5, năm nay tăng lên cấp 5 - 6, khiến cho nắng nóng kéo dài. Về dài hạn, Trung Bộ vẫn là khu vực có nắng nóng cao điểm trong tháng 8 với nhiệt độ từ 35 - 38°C. Đặc biệt, từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định 39- 40°C. Mưa chỉ xảy ra một vài ngày, đan xen một số khu vực, không đủ giải hạn.

Thời tiết cực đoan không khác gì một đại dịch

Các nhà khoa học của IPCC cảnh báo, tác động của biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh hơn so với các kịch bản từng được công bố. Chúng ta sẽ phải sống với nền nhiệt tăng sốc kèm theo các thiên tai cực đoan khác trong vòng 30 năm tới.

Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương hiện đang bị mắc kẹt trong một hiện tượng thời tiết cực đoan khoa học gọi là "vòm nhiệt". Hiện tượng này được ví như nồi áp suất, với nắp vung phía trên là một khối áp cao liên tục tạo ra áp lực ép lên toàn bộ khối khí nóng xuống mặt đất. Vòm nhiệt bẫy khí nóng ở trong, ngăn gió, ngăn mây do đó không hình thành mưa giải nhiệt. Khối khí nóng chỉ đứng ì một chỗ khiến nhiệt độ trong khu vực liên tục tăng lên.

Nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho thấy, lượng nhiệt Trái Đất giữ lại trong bầu khí quyển tăng gần gấp đôi kể từ 2005, góp phần làm thời tiết nóng lên. Trái Đất nhận khoảng 240W nhiệt lượng từ Mặt Trời trên mỗi m2. Năm 2005, Trái Đất bức xạ lại không gian khoảng 239,5W, khiến sự mất cân bằng dương 0,5W. Cuối năm 2019, mức chênh lệch này tăng gần gấp đôi, lên khoảng 1W/m2. Trái Đất tăng hấp thu nhiệt do độ giảm che phủ của mây và băng biển - những thứ phản xạ năng lượng mặt trời trở lại vũ trụ cùng sự gia tăng khí nhà kính do con người phát thải.

Các nhà khoa học dự báo, nắng nóng khắc nghiệt trong tương lai có thể giống như một trận đại dịch. Nếu Trái Đất tiếp tục phát thải như hiện nay, trong tương lai, con người sẽ phải hạn chế các hoạt động khiến cơ thể đổ mồ hôi; thậm chí làm việc vào ban đêm thay vì ban ngày; phải sống gần các vùng có nước... Thể trạng con người sẽ có những biến đổi sinh lý để thích nghi và phải sử dụng công nghệ mới có thể tồn tại. Người dân sẽ được khuyến cáo không ra khỏi nhà trong những ngày nắng nóng kỷ lục. Tất cả các hoạt động dường như đều dừng lại chẳng khác gì một thành phố bị phong tỏa vì Covid-19.

Những làn sóng tị nạn khí hậu sẽ xuất hiện do con người phải trốn chạy khỏi cái nóng khắc nghiệt, sự thiếu hụt nguồn nước và lương thực. Không chỉ con người, các loài động thực vật cũng đối diện với những mối nguy hiểm đe dọa sự sinh tồn đến từ sự nóng lên toàn cầu.

Theo ông Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, các chính phủ và doanh nghiệp cần giảm phát thải ngay lập tức, để giảm 1/2 lượng khí ô nhiễm vào năm 2030 và tiến đến mức bù trừ carbon bằng 0 hoàn toàn vào năm 2050. Các nước thực hiện trách nhiệm của mình để mục tiêu đảm bảo Trái Đất không nóng thêm 1,5°C. Ngừng trợ cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch; dừng các dự án thăm dò dầu khí mới; bảo vệ rừng và trồng rừng; chuyển sang các nguồn năng lượng sạch; bảo vệ thiên nhiên và cung cấp tài chính khí hậu cho các quốc gia có vai trò khí hậu then chốt...

Theo Đời sống
back to top