Nắng gắt kèm giông nhiệt khó dự báo sớm

(khoahocdoisong.vn) - Ngày nắng như đổ lửa, chiều tối mưa giông với lượng mưa rất lớn là đặc trưng thời tiết ở Hà Nội mấy ngày gần đây. Theo các chuyên gia, việc dự báo sớm hiện tượng thời tiết này rất khó khăn.
Mưa dông gây ngập úng nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Mưa dông gây ngập úng nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Chỉ cảnh báo trước 30 - 45 phút

Mấy ngày qua, Hà Nội đón những cơn giông nhiệt đầu tiên của mùa hè năm nay. Giông nhiệt xuất hiện thời gian ngắn nhưng cường độ mưa rất lớn khiến nhiều tuyến đường thủ đô ngập sâu trong nước. Mưa lớn cũng xảy ra trùng thời điểm tan tầm khiến giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều ô tô, xe máy ngập trong biển nước.

Theo các chuyên gia Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những trận mưa giông như mấy ngày qua được gọi là giông nhiệt, thường xuất hiện vào buổi chiều tối trong mùa hè, sau một ngày nắng nóng gay gắt. Giông nhiệt hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra, xuất hiện thời gian ngắn nhưng thường kèm các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió giật mạnh, mưa rất lớn, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng. Vì vậy rất nguy hiểm, đặc biệt là cho những người đang ở ngoài đường thời gian này.

Điều đáng lo ngại là giông nhiệt chỉ có thể cảnh báo trước một thời gian ngắn do đây là những nhiễu động khí quyển quy mô nhỏ, hình thành nhanh. Hiện nay, với những trang thiết bị hiện đại quan trắc và giám sát bầu trời như ảnh mây vệ tinh phân giải cao MTSAT, radar thời tiết, cơ quan khí tượng có thể phát hiện được giông nhiệt nhưng do các hiện tượng này xảy ra quá nhanh nên chỉ có thể cảnh báo cực ngắn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay cơ quan này có thể cảnh báo mưa giông trên nội thành Hà Nội từ 30 - 45 phút trước khi xảy ra. Ở nước ta, giông nhiệt thường xuất hiện vào mùa hè, từ tháng 4 - 10 hằng năm, thời điểm xuất hiện thường vào cuối chiều, sau một ngày nắng nóng gay gắt.

Nhận biết giông nhiệt để ứng phó

TS Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sét và gió giật là yếu tố nguy hiểm nhất trong cơn giông nhiệt. Trong mùa hè, khoảng sau 15h, nhiệt độ cao đốt nóng bề mặt, độ ẩm lớn khiến không khí ẩm. Luồng không khí này di chuyển đi lên, tạo ra các đám mây giông. Trong cơn giông thường xuất hiện sấm, chớp và mưa lớn. Hiểu đơn giản là khi xuất hiện các cơn giông cần có vùng mây đối lưu, không khí ở tầng thấp chuyển động rất nhanh lên tầng cao. Do vậy, tầng thấp thiếu hụt nên không khí ở xung quanh phải di chuyển vào để bù đắp. Những luồng không khí đó chính là gió. Vào tức thời 1 - 2 phút, dòng đối lưu đi lên mạnh gây gió giật.

Thực tế việc chỉ có thể cảnh báo trước khoảng 30 phút không có nhiều ý nghĩa lắm trong việc phòng tránh mưa giông. Bởi không phải ai cũng đọc ngay lập tức tin cảnh báo và khoảng thời gian 30 phút khó có thể để ứng phó hay có các kế hoạch di chuyển phù hợp. Theo TS Hoàng Phúc Lâm, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, việc dự báo sớm giông nhiệt cũng rất khó khăn. Chỉ dự báo được qua ảnh mây vệ tinh và ảnh rada, nhưng thời gian để ảnh chụp được các đám mây giông này cũng sát với thời gian xuất hiện hiện tượng. 

Cũng theo TS Hoàng Phúc Lâm, có nhiều dấu hiệu mà mắt thường cũng có thể nhận biết được. Bầu trời xuất hiện những đám mây đen, trời tự nhiên tối sầm. Trước cơn giông, gió thường lặng và có những luồng gió mát do mưa ở khu vực lân cận. Khi xuất hiện các dấu hiệu này, cách tốt nhất là người dân cần tìm nơi trú tránh an toàn, kiên cố, hạn chế tham gia giao thông để tránh sét đánh và gió giật mạnh trong cơn giông. 

Theo Đời sống
back to top