Nâng cao cảnh giác khi tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 gia tăng

Bác sĩ cảnh báo, hiện một số nước ghi nhận tình trạng số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng, đã có ca tử vong; vì vậy, cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ trẻ em trước đại dịch nguy hiểm.
Chú thích ảnh
Một trường hợp mắc COVID-19 từng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BV

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội trong đợt dịch này đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể.

Từ 5/7 tới 30/7/2021, đã có khoảng 5% tổng số ca nhiễm ở Hà Nội là trẻ từ 0- 5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta.

TS.BS Phan Hữu Phúc, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định: "Hầu hết trẻ nhiễm COVID-19 đều do lây nhiễm trong hộ gia đình; tuy nhiên, cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. Điều may mắn là hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ".

Tuy nhiên, gần đây, trên thế giới và trong khu vực, nhiều nước đã ghi nhận số ca nhiễm là trẻ em tăng cao. Đơn cử như Indonesia, một trong những tâm dịch lớn nhất Đông Nam Á đã ghi nhận số trẻ em mắc COVID-19 và tử vong tăng cao hơn. Theo thông tin từ Bộ Y tế Indonesia, tới ngày 28/7/2021 nước này có hơn 3,2 triệu người mắc COVID-19; trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0- 5 tuổi là 2,9%; từ 6-18 tuổi là 9,9%. Tính từ đầu dịch đến nay, tổng số ca tử vong tại Indonesia là hơn 86.000 ca, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi là hơn 800 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 1%.

"Đây là một sự báo động để mỗi người không chủ quan, các bậc phụ huynh nâng cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho trẻ", TS.BS Phan Hữu Phúc cảnh báo.

Theo đó, tuy hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ, một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.

Bác sĩ khuyến cáo: Các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; Tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.

Đặc biệt, tuy tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch, nhưng hiện chưa có chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ. Chính vì vậy những người lớn cần tiêm vaccine để giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

“COVID-19 thường gây ra các triệu chứng giống như các bệnh nhiễm trùng hô hấp thông thường do các căn nguyên khác nhau, nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng và tử vong, đặc biệt là những trẻ có bệnh nền. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu như: Ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn… các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời”, TS.BS Phan Hữu Phúc khuyến cáo.

Theo baotintuc.vn
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top