Năm nào cũng cấm, năm nào cũng biếu

ng Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ, việc Thủ tướng chỉ đạo tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì là điều rất đáng mừng. Rất mong là chỉ đạo này sẽ được quán triệt từ trên xuống dưới, tránh tình trạng như các năm trước, năm nào cũng có chỉ thị nhưng nạn biếu xén quà cáp vào dịp Tết vẫn cứ diễn ra.

Thăm nhau dễ biến tướng thành hối lộ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm nay tiếp tục chỉ đạo tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Thông tin này được người dân đón nhận nồng nhiệt, hẳn là ông cũng vậy?

Đúng là rất vui mừng khi người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo và quyết tâm dẹp nạn biếu xén, quà cáp vào dịp Tết. Chủ trương ấy hợp lòng dân, cũng là mong mỏi của nhiều người về nỗi nhức nhối nạn biếu xén mỗi dịp Tết đến.

Bản thân tôi sẽ chờ đợi xem các cấp dưới thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào. Bởi vì trước Tết, năm nào cũng có chỉ đạo về việc này, nhưng cấm cứ cấm, biếu cứ biếu.

Năm nào cũng cấm quà cáp, biếu xén, cấm đi Tết cấp trên, từ các ngành đến các địa phương. Nhưng biếu vẫn cứ biếu.

Trước đây có các quy định về cấm quà cáp, biếu xén dịp Tết, nhưng dương như ta không cấm được?

Đúng là như thế, càng cấm thì người ta càng bớt công khai đi. Càng cấm thì hình thức biếu xén càng tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.

Trước đây thì gần Tết, xe ô tô cứ xếp hàng lũ lượt vào nhà sếp, giờ thì hiếm có chuyện đó hơn.

Nhưng cũng không ai dám khẳng định là không còn chuyện biếu xén, quà cáp vào dịp Tết nữa. Bởi có chăng thì người ta kín đáo hơn, tinh vi hơn, không phô trương lộ liễu như trước đây nữa.

Rõ ràng thăm hỏi nhau ngày Tết vẫn là truyền thống tốt đẹp?

Người dân Việt Nam mình có tập quán cổ truyền là thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt đẹp vào ngày đầu năm mới. Việc thăm hỏi nhau là đáng quý, nhưng đáng buồn là dần dần nó bị biến tướng đi thành chạy chọt, đút lót, tham ô, lãng phí… Còn việc thăm nhau ngày Tết là rất tốt chứ. Chỉ đáng trách khi nó đi quá mức thôi.

Ông vừa nói đến thủ đoạn biếu xén giờ tinh vi hơn, vậy thì việc giám sát nó hẳn là cũng cực kỳ khó?

Rất khó vì giờ người ta không lộ liễu nữa. Người ta không bê vác đến nhà túi to túi lớn mà thường chỉ bằng những bao lì xì “nho nhỏ”. Thời tôi còn làm, có những đợt kiểm tra quà cáp ngày Tết của các cán bộ lãnh đạo nhưng việc biếu xén ấy nó biến tướng nhiều lắm.

Đợt đó có phát hiện nhà bộ trưởng này bộ trưởng kia xe cộ đến xếp hàng chơi Tết, sau đó cũng có những người bị kiểm điểm. Tuy nhiên lúc ấy hiện tượng cũng ít hơn. Giờ thì khó lắm, thậm chí có cán bộ nhận quà biếu đến hàng tỉ đồng có khi cũng không ai biết được.

Cán bộ nên biết “ngưỡng” mà từ chối

Đã từng đi kiểm tra, ông thấy khó nhất trong việc phát hiện cán bộ nhận quà biếu Tết là gì?

Chắc chắn là không thể có chuyện “bắt tại trận” được. Người đi biếu và người nhận cũng đều rất thận trọng, không dễ mà kiểm tra là phát hiện ra ngay được.

Đi kiểm tra cũng chỉ ghi nhận, phản ánh bên ngoài như thế nào. Đưa ra kết luận về đồng chí này đồng chí kia cũng có tác dụng răn đe, còn thực tế thì cũng không dễ dàng để phát hiện.

Vậy thì rất khó để dẹp vấn nạn này?

Nó xuất phát từ nhiều phía. Bản thân người đi biếu thấy rằng việc ấy là không đúng, nên không đi biếu nữa. Người được biếu phải thấy mình nhận như thế là không xứng đáng, phải chủ động từ chối đi.

Vì nếu nhận một số quà biếu quá lớn thì đồng nghĩa là anh cũng đồng lõa với việc làm xấu của người đi biếu quà. Khi người nhận từ chối liên tục thì người biếu cũng biết ý mà không dám biếu nữa.

Nhưng việc thăm hỏi, biếu nhau cân gạo, con gà, chai rượu… là truyền thống và cũng là điều bình thường thể hiện cái nghĩa tình với nhau, nếu cứ từ chối hết thì e là cũng không ổn?

Thế nên người cán bộ phải biết “ngưỡng” để mà từ chối hay nhận. Nếu quà biếu có giá trị lớn, chắc chắn người biếu phải có tính toán, có động cơ gì trong đó. Không ai bỗng dưng đi biếu nhau vài chục, vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng cả. Còn việc biếu chút quà thể hiện sự biết ơn thì cũng là bình thường. Làm thế nào để kiểm soát được những cái này.

Cụ thể là làm thế nào ạ?

Ví dụ như cấp dưới biếu cấp trên thì phải xin chi tiền từ cơ quan, mà đã chi tiền thì kế toán của cơ quan thế nào chẳng biết. Đi thăm hỏi, chúc Tết ai thì anh lái xe biết chứ.

Đã đến lúc, chính những người đi biếu xén phải tự nhận thức được rằng việc làm ấy không chính đáng nữa. Còn người lãnh đạo không được đánh giá nhân viên của mình bằng quà to hay quà nhỏ nữa.

Tinh thần dẫn dắt của người đứng đầu

Có ý kiến cho rằng, có dẹp được nạn quà cáp biếu xén này không phụ thuộc cả vào người đứng đầu, ông có nghĩ thế?

Việc Thủ tướng đứng ra chỉ đạo trực tiếp như vậy là rất tốt. Tới đây phải xem người đứng đầu các ngành, các cấp sẽ chấp hành chỉ đạo như thế nào mà thôi, rồi giám sát của các cấp, của nhân dân như thế nào để hạn chế được vấn nạn đó. Rõ ràng khi người đứng đầu đã hô quyết tâm thì sẽ có tác dụng ở mức độ nào đó.

Bản thân ông kỳ vọng gì vào việc dẹp nạn quà cáp biếu xén dịp Tết tới đây?

Tôi rất kỳ vọng đấy, rất hy vọng ở Chính phủ liêm chính và hành động. Đơn giản nhất như hồi tôi còn làm, năm 1995, ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương chẳng hạn, chỉ cần đồng chí chánh văn phòng gọi điện thoại cho các cơ quan cấp thấp hơn chỉ đạo không được quà cáp biếu xén, là các cấp dưới thực hiện đúng như thế.

Từ ngày đó, trước Tết đã có những chỉ đạo như thế để các địa phương, các cơ sở không phải lên cấp trên chúc Tết nữa. Nói thế để thấy nếu từ trên mà có chỉ đạo và làm quyết liệt thì chắc chắn là bên dưới sẽ phải tuân thủ.

Các tỉnh sẽ không phải về trung ương chúc Tết, các địa phương cũng không phải lên tỉnh để biếu xén quà cáp nữa.

Nếu người đứng đầu có vai trò quan trọng như thế, việc dẹp nạn biếu xén ngày Tết hẳn không phải là quá khó?

Người đứng đầu các cấp mà gương mẫu thì chỉ đạo ấy mới thực sự có tác dụng.

Còn nếu mà họ làm một cách đối phó, tìm cách này cách khác để chạy chọt, để kín kẽ hơn, khó phát hiện hơn thì vấn nạn sẽ lại càng phức tạp. Bởi để kiểm tra, giám sát là rất khó

. Người đứng đầu tự giác, cấp trên chủ động từ chối thì tự nhiên vấn nạn sẽ giảm. Còn các ông ấy cứ “gật” rồi ỉm đi không nói ra, vợ con ông vẫn cứ nhận thì khó nói lắm.

Có khi nào chủ trương không chúc tết lãnh đạo nữa sẽ làm mất đi truyền thống của dân tộc là chúc nhau năm mới những điều tốt lành?

Cái cấm ở đây là cấm biếu xén, đưa hối lộ chứ không cấm một cách thái quá, không được đến thăm hỏi nhau thì cũng không đúng.

Ngày Tết người ta có quyền gặp gỡ, thăm hỏi nhau, là nhu cầu tình cảm bình thường không cấm được. Cấm thái quá không được, nhưng để việc biếu quà Tết thành vấn nạn tràn làn như những năm qua là cũng dở. Chuyện đua nhau đưa quà biếu thành vấn nạn rầm rộ là cũng không ổn chút nào.

Bản thân tôi hy vọng với sự quyết tâm của Chính phủ, vấn nạn quà Tết sẽ được dẹp ngay trong Tết tới đây. Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay việc cấm cán bộ, công chức chúc tết, phong bao phong bì là hành động gương mẫu để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Hiện các cơ quan được giao đang xây dựng quy chế để giám sát những việc này cũng như giám sát quyền lực, giám sát người đứng đầu.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
Báo in trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện

Báo in trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện

Quy trình sản xuất ấn phẩm báo in Khoa học và Đời sống trong tòa soạn hội tụ đa phương tiện từng bước được hoàn thiện ở mọi mặt, từ làm báo trên nền tảng số, đến bạn đọc có thể xem trang báo yêu thích trên điện thoại thông minh.
back to top