Năm mới nói chuyện hỗ trợ: Lo “đèn lồng đỏ” treo cao!

“Thế rồi năm mới cũng đến, với nỗi hồi hộp và cả sự khấp khởi, mong đợi phập phồng”, chủ một quán cháo lòng - năm trước còn là giám đốc doanh nghiệp du lịch doanh thu hàng chục tỷ đồng – đã cảm khái như thế.

Sự hồi hộp mà anh chủ quán cháo lòng nói tới, là hy vọng vào gói khôi phục kinh tế quy mô tới 36 tỷ USD sắp được tung ra. “Nhiều tiền thế, công ty anh thế nào cũng có chút hy vọng” – anh mơ mộng tới ngày trở lại làm chủ doanh nghiệp theo cách ấy.

Khi chủ doanh nghiệp đi bán lòng lợn

Một năm trước, Dũng thuê nhà trong một con ngõ đường Đào Tấn của Hà Nội, bên trên cả gia đình ở, tầng dưới để mở quán cháo lòng.
Hằng ngày, Dũng vừa thái đồ ăn, vừa chạy bàn phục vụ khách.

Không ai nghĩ ông chủ quán trong chiếc tạp dề màu xanh đậm ấy, lại từng là chủ một doanh nghiệp du lịch tầm cỡ.

Cho tới trước khi dịch Covid-19 ập tới, doanh nghiệp của Dũng vẫn có doanh thu vài tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng hóa ra đó chỉ là váng sữa của những ngày làm ăn ngọt ngào.

Sau 14 năm sự nghiệp thành công và một năm chìm nghỉm trong dịch, đất và nhà - những tài sản Dũng tưởng đã là của mình - đã phải bán đi để trả nợ ngân hàng.

Trong thời gian vật lộn với dịch, anh tất tả tìm cách tiếp cận các gói hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì công ty và cùng bạn mở nhà hàng nhỏ.

Nhưng bi kịch với Dũng là ở chỗ, trong khi ép anh phải bán nhà để trả nợ, thì các ngân hàng cũng đồng thời từ chối cho vay. Với các doanh nghiệp tư nhân “4 không” – không trụ sở, không nhân viên, không tài sản, không quen biết – như anh đang… có, mọi cánh cửa hồi phục cơ bản đã đóng chặt.

kich-cau-kinh-te-.jpg
Năm 2021 là một năm khó khăn với nền kinh tế nói chung và với các doanh nghiệp nói riêng. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa.

Không giàu lạc quan như chàng chủ quán cháo lòng, anh Cảnh, chủ một doanh nghiệp xây dựng (Từ Liêm, Hà Nội) mới trở lại làm việc được gần 4 tháng nay, sau hơn 8 tháng “ngồi chơi xơi nước”. Nhân viên từ hơn 40 người giờ cũng lèo tèo chưa đến chục người. Công việc giờ cũng toàn công trình nhỏ, mà theo anh Cảnh gọi là “sửa chữa linh tinh”.

“Hai năm Covid-19 đã khiến tôi kiệt quệ. Phải mượn sổ đỏ của bố vợ đi vay tạm lấy mấy trăm triệu đồng đi làm 2 công trình nhỏ ở Cầu Giấy. Cuối năm 2020, tôi thu hồi được 156 triệu đồng tiền công nợ cả năm… không bõ trả lương cho một nhân viên” - anh Cảnh ngao ngán.

Đó chỉ là hai trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp đang “sống dở chết dở” sau hai năm dịch bệnh, giờ vẫn hy vọng vào gói tài trợ từ Chính phủ…

Nhất là gói tài khóa lên đến 291.000 tỷ đồng đang được Quốc hội khóa XV thảo luận vừa qua và cũng chưa doanh nghiệp nào tỏ tường tiền sẽ được rót thế nào, dù ai cũng hy vọng.

Thực tế, với những doanh nghiệp du lịch đã đông cứng như kiểu của chàng chủ quán cháo lòng, hy vọng đã không còn. Mọi hỗ trợ, do thế, sẽ rót vào những doanh nghiệp “còn thở” và vài chục nghìn doanh nghiệp được thành lập mới – như thống kê lạc quan của Tổng cục Thống kê.

Những doanh nghiệp “còn thở”, hay mới thành lập ấy, mới có hi vọng sẽ sản sinh ra giá trị hoạt động. Và về thực chất, cũng là những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, để đảm bảo tiền hỗ trợ sẽ được hạn chế rủi ro.

Đó là nguyên tắc đầu tiên cần lưu ý. Nhưng ngoài ra sẽ là gì?

Khôi phục: Chọn giải cứu hay xây mới?

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến thế giới và Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước đã phải đưa ra nhiều chính sách, gói hỗ trợ chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế.
Trong đó, nổi bật nhất là Mỹ gói hỗ trợ tài khóa lên tới 28% GDP.

Tiếp đến là Úc với 18,4% GDP. Trong khi, Việt Nam chỉ ở mức hỗ trợ từ 2 - 3% GDP.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực khó khăn khi tăng trưởng thấp, nguy cơ lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế thế giới, việc có chương trình phục hồi và gói kích thích kinh tế là cần thiết.

Tuy vậy, để triển khai gói này, ông Thành cho rằng, cần phải đảm bảo yếu tố có quy mô đủ lớn với đủ liều lượng, đủ rộng và đủ thiết thực.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chính sách tài khóa thông thường của các quốc gia hay ở Việt Nam đang thực hiện là miễn giảm các khoản thu thuế, phí và chi từ ngân sách nhà nước.

chuyen-gia-kinh-te-vu-dinh-anh.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.

Năm 2020 - 2021 Việt Nam chủ yếu thực hiện các biện pháp là giãn, hoãn một số loại thuế và tiền thuê đất. Sang năm 2022, bên cạnh các biện pháp này, còn liên quan đến một số sắc thuế gián thu và giảm một số loại phí. Quy mô của gói miễn giảm này đến đâu còn phụ thuộc vào quyết định của lựa chọn sắc thuế và các khoản phí mà chúng ta muốn áp dụng giảm.

Về chi ngân sách nhà nước. Ông Ánh cho rằng, cần hiểu rõ có 2 nhóm, nhóm chi đầu tư công và chi thường xuyên. Hiện nay, gói đầu tư công giải ngân rất chậm, tuy nhiên, cần thay đổi và tính toán lại, chọn dự án chuẩn xác và tránh nâng vống vốn so với thực tế.

Phần tiếp theo trong chi ngân sách nhà nước gọi là chi thường xuyên. Ở đây liên quan đến chi thường xuyên cho phòng chống dịch và chi lương. Đặt vấn đề nếu như muốn kích thích tiêu dùng trong nước, mà tăng chi lương từ chi thường xuyên trong năm 2022 là rất cần thiết.

Nguyên nhân là do năm 2020 - 2021 chúng ta đã trì hoãn cải cách tiền lương. Mà đối tượng đó hiện nay (tổng số người nhận lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước) là lên đến trên 10 triệu người. Nên gói này cũng cần phải tính toán chi tiết.

Nhóm thứ hai, liên quan đến chi thường xuyên là chi an sinh xã hội. Năm 2021, Chính phủ chi tối đa chỉ được 3.750 tỷ đồng. Theo ông Ánh, con số này quá nhỏ so với số người cần được hỗ trợ. Hiện nay, có một nhóm đối tượng rất quan trọng đang chờ mong hỗ trợ là nhóm người lao động phi chính thức và cũng đang có khoảng 10 triệu người.

Vậy là, cho tới hiện giờ, khi các doanh nghiệp đang ngóng từng ngày chính sách hỗ trợ khôi phục, thì ngay các chuyên gia cũng chỉ biết khuyến cáo nên dùng tiền hỗ trợ thế nào.

Đó là liệu có cách nào cứu được một phần tinh hoa kinh doanh “đã chết” trong số 120.000 doanh nghiệp rời thị trường trong năm 2021 không?

Nhưng đặt câu hỏi, có cứu doanh nghiệp “ngừng thở” hay không, khéo không nhiều nhà quản lý sẽ cười, vì họ cần cái mới, hơn là cần kinh nghiệm. Cái mới bao giờ cũng là thành tích. Còn kinh nghiệm, cứ mất nhiều đi, là sẽ có.

“Chúng ta không thể học các nước khác họ áp dụng gói 10% GDP mình cũng làm theo 10% được. Chưa kể để thực hiện gói đó, Chính phủ sẽ phải đi vay nợ nên còn phụ thuộc vào việc quản lý nợ công hiện nay sẽ như thế nào?

Không chỉ là quy mô nợ mà còn về khả năng trả nợ, cũng như sử dụng nợ một cách có hiệu quả để có nguồn trả nợ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top