Năm 2050 có thể dư thừa tới 4,3 triệu nam giới

(khoahocdoisong.vn) - Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển là nội dung cuộc họp với các nhà báo, cán bộ truyền thông cấp tỉnh về dân số vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam cho biết, hiện nay mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn, tạo nguy cơ tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực.

Ở đô thị hay những nơi kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp dưới mức thay thế, có nơi rất thấp như Đông Nam bộ 1,63 con, TPHCM 1,45 con. Một khi mức sinh giảm thấp thì việc kích mức sinh lên phải mất hàng chục năm trời nhưng rất khó. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng, ước tính đến năm 2050 ta sẽ dư thừa 4,3 triệu nam giới có nguy cơ không lấy được vợ.

Ở Việt Nam, năm 2011 ta bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số với tốc độ nhanh nhất thế giới, quá trình này chỉ diễn ra trong 27 năm (2011 - 2038) trong khi đó, ở Pháp già hóa dân số diễn ra trong 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Canada 65 năm, Úc 73 năm. Già hóa dân số nhanh dẫn đến chi phí y tế cho người già phải được nâng lên trong khi đó, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi lớn gấp 8 lần cho 1 đứa trẻ. Ở Hàn Quốc, ước tính 15% người cao tuổi chiếm 50% số thuốc của toàn quốc. Ở Nhật Bản có 30% người trên 65 tuổi nhưng có tới 160.000 nhà dưỡng lão, ở Việt Nam không có nhà dưỡng lão công nhưng số nhà dưỡng lao tư nhân cũng rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo tính toán, ở thời kỳ dân số vàng, 2 người lao động có 1 người phụ thuộc (người dưới 15 tuổi hoặc trên 65 tuổi) nhưng với tốc độ già hóa dân số nhanh, mức sinh tiếp tục suy giảm thì 1 người lao động phải có khi phải gánh tới 2 - 4 người phụ thuộc…

Chiến lược dân số đến năm 2030 là phải duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững, tránh rơi vào bẫy đói nghèo.

Theo Đời sống
back to top