Năm 2020 vẫn đủ điện, nhưng có thể phải điều chỉnh tăng giá

(khoahocdoisong.vn) - Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết đã lên kế hoạch đảm bảo điện trong năm 2020. Theo đó, năm 2020 có khả năng giá điện sẽ phải điều chỉnh tăng.

Do tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, dự báo phải huy động thêm 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao. Bên cạnh đó, có hơn 3.090 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ vào giá điện.

Chi phí tăng, lãi bán điện giảm mạnh

Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là 332.284 tỷ đồng. Bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.

Trong đó, riêng khâu phát điện có chi phí hết 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng giá trị điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là1.737,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017. Khâu truyền tải điện hết 19.690,95 tỷ đồng, tương ứng giá thành truyền tải điện thương phẩm là 102,36 đồng/kWh.

Sản lượng điện thương phẩm năm 2018 là 192,36 tỷ kWh/giờ, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.737,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.

Năm 2018, EVN lãi 698,7 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 0,47% trên vốn chủ sở hữu, giảm mạnh so với năm trước đó. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, nguyên nhân do chi phí phát điện của EVN đã tăng mạnh so với năm trước.

Cụ thể, lượng nước về các hồ thủy điện hụt 12 tỷ m3, khiến phải huy động từ nguồn khác như dầu, than, tua bin khí... với chi phí sản xuất điện cao hơn thủy điện. Mặt khác, trong năm 2018, bản thân giá nhập khẩu than, dầu, khí... cũng tăng mạnh. Trong đó, giá than tăng trên 20%, giá dầu tăng 20-22% (tùy loại). Đồng thời, tỷ giá USD cũng tăng 1,37% so với năm 2017... Tất cả những điều này đã tác động tăng chi phí sản xuất của nhiều nhà máy điện trên cả nước.

Theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020, khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện một phần của năm 2015 là 20 tỷ đồng và cả năm 2017 khoảng 3.070,9 tỷ đồng. 

Khoảng chênh lệch này sẽ được đưa vào chi phí năm 2018. Nhưng do năm 2018 không điều chỉnh giá điện, nên số chênh lệch này còn treo, chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.

Vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện trong phương án chưa có nguồn để chi trả nên phải treo lại khoản chênh lệch tỷ giá. Còn các khoản khác của EVN, tập đoàn đã tiết kiệm chi phí khác để cân đối lại.

“Khoản này hiện nay chưa có nguồn trả, nên sẽ phải chờ phương án giá điện của năm tới khi được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt mới có nguồn để trả. Nếu tỷ giá tăng lên thì nguyên tắc phải đưa vào giá điện, tỷ giá tăng lên bao nhiêu thì làm tăng giá thành cũng như giá điện. Nếu giá điện chưa được phê duyệt thì khoản đó buộc phải treo” - ông Nguyễn Xuân Nam cho biết.

Có thể điều chỉnh giá điện trong năm 2020

Trong năm 2020, Cục Điều tiết Điện lực dự báo sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt năm 2020.

Các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2020.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá, năm 2020 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong cung cấp điện; trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành…

Do đó, Bộ Công Thương dự tính sẽ vận hành các nguồn điện mới, với tổng công suất khoảng 4.300MW. Trong đó sẽ có gần 2.000MW điện gió và mặt trời, nâng tổng các nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 10,868 tỷ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.

Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao. Đại diện Cục Điều tiết Điện lực khẳng định, việc chạy dầu là biện pháp cuối cùng để đảm bảo không thiếu điện.

Riêng mùa khô năm 2020, dự kiến huy động 3,153 tỷ kWh từ nguồn chạy dầu và có thể huy động tăng thêm nếu xảy ra tình huống cực đoan, khi lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến.

Ngoài ra, cũng như năm 2019, năm 2020, Cục Điều tiết Điện lực dự kiến sẽ nhập khẩu 2,1 tỷ kWh điện từ Trung Quốc và 1,1 tỷ kWh điện từ Lào.

Về cơ cấu giá thành sản xuất kinh doanh điện của từng khâu, tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/kWh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hệ thống trong nước vẫn đủ năng lực đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, từng thời điểm trong năm có thể sẽ nhiều biến động ảnh hưởng đến giá điện không chỉ đơn thuần dựa vào chi phí sản xuất.

Hiện nay, chi phí giá điện chiếm đến 70-75% giá thành sản xuất điện. Trong năm 2018, giá thành sản xuất 1kWh điện là 1.727 đồng và giá bán ra của EVN là 1.731 đồng. “Tức là mỗi kWh điện EVN chỉ lãi có 4 đồng, nếu chạy bằng điện dầu thì giá thành cao hơn" - ông Vượng cho biết. Đồng nghĩa với việc nếu huy động nhiều sản lượng điện chạy dầu, thì tình hình tài chính của EVN sẽ khó khăn hơn. 

Tuy nhiên, việc có điều chỉnh giá điện hay không, thì không chỉ căn cứ vào việc giá thành sản xuất điện biến động, mà còn rất nhiều yếu tố khác. Điều này đã được nêu rõ trong Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, trình tự, thủ tục điều chỉnh giá điện như thế nào - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trấn an.

Theo quy định, khi giá điện tăng lên 5%, EVN có thể đề xuất lên Bộ Công Thương điều chỉnh, đến 10% phải đề xuất lên Thủ tướng. Ngoài ra, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải chỉ mỗi việc giá thành sản xuất tăng lên.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
Bưởi da xanh giảm giá

Bưởi da xanh giảm giá

Từ sau Tết Nguyên đán 2024, giá bưởi da xanh tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL liên tục giảm. Hiện giá nông sản này ở mức rất thấp.
back to top