Năm 2019: Bất động sản sôi động hút vốn ngoại

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đã trở thành thị trường M&A bất động sản sôi động, hấp dẫn vốn ngoại, nhờ khuyến khích của chính phủ, chính trị ổn định, và kinh tế tăng trưởng cao.

Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc “nóng” nhất trong năm 2019. Ảnh: Hữu Thông

“Nở rộ” M&A

Theo bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường vốn tại JLL Việt Nam cho biết, điểm đáng chú ý là các giao dịch bất động sản năm 2018 được đa dạng hóa, với nhiều loại tài sản khác nhau. Mở đầu với việc Nomura Real Development (Nhật) mua lại 24% cổ phần của Sun Wah - tòa nhà văn phòng hạng A thuộc khu vực trung tâm TPHCM.

Tại phân khúc nhà ở, vào tháng 3/2018, Công Ty TNHH quản lý bất động sản  CapitaLand công bố mua lại khu đất 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội, có giá trị khoảng 685 tỷ đồng (tương đương 29,78 triệu USD). Không lâu sau đó, trong quý 3/2018, CapitaLand tiếp tục thâu tóm khu đất rộng 6 ha tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM có giá trị 1.380 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD). Dự án này sẽ cung cấp cho thị trường hơn 100 đơn vị nhà ở, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Một đại gia bất động sản khác là Frasers Property đã công bố việc ký kết hợp đồng mua cổ phần có điều kiện với Công ty TNHH Trần Thái Lands, để mua lại 75% vốn phát hành của Công ty CP Bất động sản Phú An Khang và Công ty CP Bất động sản Phú An Điền. Dự kiến, hai công ty này sẽ phát triển các dự án dân cư, thương mại cho Frasers Property tại quận 2 và quận Thủ Đức của TPHCM. Trong số những giao dịch đáng chú ý còn có việc Keppel Land thoái vốn tại dự án của Công ty CP Quốc Lộc Phát (quận 2, TPHCM).

Tập đoàn bất động sản Malaysia Berjaya Land Berhad cũng tuyên bố đã thoái toàn bộ 32,5% vốn góp còn lại tại Berjaya Vietnam Financial Center Limited (BVFC). Người mua là Công ty CP Vinhomes và Công ty CP đô thị du lịch Cần Giờ, với tổng trị giá thương vụ là 884,9 tỷ đồng (khoảng 38,47 triệu USD). Dự án sẽ được xây dựng bao gồm tòa nhà văn phòng, khách sạn năm sao, căn hộ dịch vụ và trung tâm mua sắm trên khu đất 6,64 ha tại quận 10, TPHCM. Cùng với đó, có tin Vingroup mua lại Công ty TNHH MTV Berjaya Vietnam International University Town (“BVIUT”), thông qua việc và đã bơm vốn và nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 99,2% vốn điều lệ.

Vào tháng 5/2018, một trong những công ty quản lý lớn nhất Nhật Bản chuyên về bất động sản hậu cần CRE - thông qua công ty con CRE Asia - đã đồng ý đầu tư 6,2 triệu USD vào Sembcorp Infra Services (SIS) trong một thỏa thuận mua cổ phiếu. Số vốn mới từ CRE Asia và các khoản vay ngân hàng sẽ phục vụ cho mục đích phát triển thêm 30.000 m2 kho tại Việt Nam của SIS.

Cũng trong tháng 5, quỹ private equity toàn cầu Warburg Pincus và nhà phát triển bất động sản công nghiệp Becamex IDC đã ra mắt liên doanh Công ty CP Phát triển BW Industrial. Theo thông cáo của liên doanh này, với hơn 200 ha dự án đang được phát triển, vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu USD, BW Industrial tuy vừa ra mắt nhưng đã trở thành nhà phát triển dịch vụ cho thuê công nghiệp và hậu cần lớn nhất tại Việt Nam.

Quý cuối năm 2018, thị trường còn ghi nhận một thương vụ bán và cho thuê lại kho bãi tại VSIP 1, tỉnh Bình Dương. Theo đó, Mapletree Logistics Trust đã chi 725,1 tỷ đồng (tương đương 31,5 triệu USD) thâu tóm khu kho bãi thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever (Unilever Vietnam). Sau khi hoàn tất việc bán, Unilever Vietnam cùng đồng thời thuê lại chính tài sản này trong 10 năm, với mức tiền thuê tăng hàng năm.

“Mỏ vàng” bất động sản công nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics… vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn mới, thị trường này đang gia tăng thêm nhiều tiềm năng. Chẳng hạn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang khiến luồng dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn. Trong khi lợi thế truyền thống nữa là Việt Nam vẫn đang duy trì được chi phí sản xuất thấp, chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc.

Đánh giá về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới thị trường bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Việt Nam có nhiều cơ hội, hơn là khó khăn. Dòng vốn đầu tư từ các nước, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác do tránh chiến tranh thương mại sẽ "chảy" vào Việt Nam nhiều hơn trong năm 2019.

Vẫn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trên thị trường đầu tư gián tiếp là chứng khoán, Việt Nam vẫn đang được đánh giá tốt hơn so với các thị trường khác trong năm vừa qua. Do đó, khi quyết định chuyển dịch dòng vốn, các nhà đầu tư sẽ chọn thị trường vốn gián tiếp là chứng khoán Việt Nam. “Trong dòng vốn chứng khoán đó, có một phần không nhỏ là đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Sự phát triển mạnh của dòng vốn đầu tư sẽ tạo ra nhu cầu lớn ở các phân khúc BĐS” – ông Hà nhấn mạnh.

Đồng nhận định, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường vốn JLL Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ là ngành nóng nhất trong năm 2019, do có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại CPTPP/EU.

Bên cạnh đó, từ năm 2018, chủ trương của Chính phủ tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các thành phố thông minh; xây dựng các giải pháp cân bằng FDI và cho phép tập trung đầu tư vào các tỉnh khác… điều này sẽ thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp phát triển.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang đặt nhiều quan tâm đến thị trường logistics và rót vốn đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng. Do đó, phân khúc bất dộng sản về logistic cũng đang có sự thay đổi. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc thực hiện “khâu cuối cùng” cũng gia tăng tiềm năng đáng kể. Cụ thể là nhu cầu về các kho bãi gần các trung tâm kinh tế và các tuyến đường huyết mạch của thành phố.

Theo Đời sống
back to top