Mỹ phẩm Deaura lừa đảo xuyên quốc gia?

Theo điều tra của KHĐS, có biểu hiện của việc Deaura lừa đảo xuyên quốc gia. Tại Úc, nhiều khách hàng đã đâm đơn kiện mỹ phẩm Deaura vì hình thức kinh doanh tương tự như ở Việt Nam.

Ngày 19/12 vừa qua, tại cuộc họp giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, cơ quan quản lý thị trường đã phạt doanh nghiệp Deaura 600 triệu đồng vì những sai phạm.

Dấu hiệu Deaura lừa đảo xuyên quốc gia khiến nhiều chị em trở thành con nợ.

Nhiều khách hàng khiếu kiện

Tại trang đánh giá sản phẩm của Úc (www.productreview.com.au) có tới 78% (29/37) khách hàng đánh giá dịch vụ của Deaura là khủng khiếp. Tại địa chỉ này có rất nhiều phàn nàn của khách hàng về chất lượng dịch vụ và chiêu trò bán sản phẩm của Deaura. Thậm chí nhiều người kiện hãng này về tội lừa đảo (https://www.productreview.com.au/p/deaura-skin-clinic.html )

Khách hàng có tên Sik kể rằng ban đầu được mời đến để làm mặt miễn phí. Đến đó thì được bảo cung cấp 10 tên và số điện thoại thì được tặng kem mắt. Khi Sik trả lời rằng không biết 10 người và cần phải có sự chấp thuận của bạn bè trước khi cung cấp số điện thoại thì nhân viên Deaura trở nên tức giận. Sau khi kiểm tra và phàn nàn về tình trạng da, Sik cũng được đề nghị mua gói chăm sóc trị giá 2000 USD và có thể trả chậm.

Khách hàng Katherine mua dịch vụ của Deaura thì phàn nàn không được phục vụ như cam kết. Khách hàng này tức giận vì mỗi tháng bị ghi nợ 280 đô la nhưng nhắn tin và điện thoại đến cửa hàng để sử dụng dịch vụ thì không ai trả lời điện thoại và sắp xếp cuộc hẹn.

Một khách hàng khác tên Raveena thì gọi dịch vụ của Deaura là trò đùa lớn nhất ở thành phố Cbd Brisbane (Úc). Cô này khuyến cáo mọi người rằng Deaura chỉ nhằm một mục đích “lấy tiền ra khỏi túi bạn”. Ngày 17/3/2017 Raveena cho biết, Deaura đã thô lỗ với cô và những người bạn của cô và cô này đang làm thủ tục đưa Deaura ra pháp luật, báo cáo với các nhà chức trách địa phương.

Khách hàng Carolinad thì cho biết DeAura Spa Clinic đã biến mất sau khi cô này trả trước 1 năm cho sản phẩm. Carolinad đã cố gắng liên hệ với spa nhưng tất cả các chi tiết kinh doanh của DeAura Spa Clinic bị hủy bỏ. Điện thoại không hoạt động, không có trang web, không được vào spa. Carolinad cũng như rất nhiều khách hàng phản hồi sản phẩm tại www.productreview.com.au gọi Deaura là lừa đảo.

Vi phạm luật dân sự

Dấu hiệu Deaura lừa đảo xuyên quốc gia cho thấy, so sánh hình thức kinh doanh dịch vụ của Deaura tại Úc và Việt Nam có thể thấy quy trình khá giống nhau. Khách hàng khi mua gói dịch vụ sản phẩm có thể trả trước toàn bộ hoặc trả góp hàng tháng.

Hai bên có hợp đồng sử dụng dịch vụ nhưng các điều khoản đền bù không ghi trong hợp đồng. Nhiều khách hàng không được sử dụng dịch vụ nhưng vẫn bị ghi nợ số tiền trả góp trong ngân hàng gây căng thẳng tâm lý và áp lực chi trả.

Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Hội Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, khi bán dịch vụ, Deaura ký hợp đồng thỏa thuận với khách. Đây chỉ là hợp đồng dân sự nên nếu Spa này biến mất không cung cấp dịch vụ sau khi thu tiền thì cũng chỉ vi phạm Luật dân sự.

Việc phạt vi phạm hợp đồng lại không mang tính bắt buộc, mà do các bên thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên thỏa thuận này (nếu có), thì phải thể hiện rõ trong hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có nội dung này thì xem như hai bên không thỏa thuận.

Theo Điều 418 Bộ Luật Dân sự năm 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, trong hợp đồng của Deaura và khách hàng lại không có quy định về bồi thường thiệt hại. Do vậy, nếu Deaura biến mất, khách hàng gần như không thể đòi được bồi thường.

Theo Luật cũng không có giới hạn về mức phạt vi phạm trong dân sự, do các bên thỏa thuận nên nếu khách hàng ký hợp đồng mà không có thỏa thuận bồi thường thì không kiện được Deaura bồi thường.

Phạt 600 triệu do sai phạm

Ngày 19/12 tại cuộc họp giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, trả lời những câu hỏi của báo chí về mỹ phẩm Deaura lừa dối khách hàng, biến khách hàng đi chăm sóc da mặt thành con nợ ngân hàng, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Để tăng sự tin tưởng của khách hàng, mỹ phẩm Deaura đã thuê cửa hàng là những nơi to, đẹp để bán mỹ phẩm, cung cấp dịch vụ làm đẹp da.

Qua phản ánh của báo chí và khiếu nại của người dân, cơ quan quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều mã không đảm bảo, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hình thức kinh doanh biến tướng kiểu kinh doanh đa cấp.

Chị em khi được mời đến làm đẹp chỉ cần đưa chứng minh thư ra, Deaura phối hợp với ngân hàng VP Bank bán hàng trả góp, biến chị em thành con nợ của ngân hàng. Trước những sai phạm như trên, cơ quan quản lý thị trường đã phạt doanh nghiệp này 600 triệu đồng.

Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền mạnh, bóc mẽ thủ đoạn kinh doanh biến tướng. Chị em muốn làm đẹp nên tìm kiếm thông tin về Deaura trước khi tham gia dịch vụ của họ.

Trước đó, trong một số hội thảo mà phóng viên Báo KH&ĐS tham gia, một vài nam thanh niên giới thiệu là nhân viên của Deaura đến và mời phóng viên tham gia làm đẹp miễn phí tại 4 địa chỉ của Deaura tại Hà Nội.

Khi hỏi, Deaura có lừa đảo không mà nhiều khách hàng đến trả lại sản phẩm như vậy, nam nhân viên này giải thích “không có chuyện đó, khách hàng đến thì mới hiểu được báo chí đưa thông tin không chính xác về Deaura” (!).

Nam nhân viên này không đưa cho phóng viên thư mời mà chỉ xin số điện thoại của phóng viên và người thân với trình bày là vừa mới tham gia vào công ty, mỗi số điện thoại anh xin được, anh có thù lao Deaura trả là 15.000 đồng. Các số điện thoại này sau đó sẽ được tổng đài của Deaura gọi điện mời khách hàng đến trải nghiệm miễn phí.

Nhóm PV.

Theo Đời sống
back to top