Mỹ phẩm chứa thủy ngân gây sa sút trí tuệ

Mỹ phẩm chứa thủy ngân gây sa sút trí tuệ, trí nhớ, quái thai… dù bôi ngoài da.

• Nguy cơ nhiễm độc từ mỹ phẩm

• Viêm da vì mỹ phẩm tự làm

• Không sử dụng mỹ phẩm biến màu

Thủy ngân độc hơn cả corticoid

Vừa qua Bộ Y tế đình chỉ lưu hành 3 loại kem chăm sóc da do Công ty Hoa Việt sản xuất. Do không đạt chỉ tiêu hàm lượng kim loại nặng, cụ thể là hàm lượng thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép. Các chuyên gia cho hay, thủy ngân trong mỹ phẩm còn độc hại hơn cả corticoid. Gây nguy hiểm đến thai nhi, trí nhớ…

Mỹ phẩm chứa thủy ngân gây sa sút trí tuệ

Theo chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa’s Garden, thủy ngân có trong mỹ phẩm thường là do bị nhiễm từ các khâu như nguyên liệu, môi trường. Vì thế, trong sản xuất mỹ phẩm luôn có giới hạn nhiễm. Với thủy ngân, giới hạn đó rất nhỏ, chỉ 1 phần triệu (tức 0,0001%).

Trên thực tế, thủy ngân vẫn được sử dụng trong những mặt hàng dưỡng da kém chất lượng ở một số nước đang phát triển. Phổ biến ở các nước châu Phi và các nước Đông Nam Á. Nhiều mỹ phẩm làm trắng da không an toàn được phát hiện trên thế giới có hàm lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép, từ 6.000 lần đến gần 30.000 lần.

Có điều này là do, người ta thấy thủy ngân có một tác dụng làm trắng da rất nhanh chóng thông qua việc ức chế sản sinh melanin rất mạnh mẽ.

Thủy ngân thường có trong các loại kem trộn với các quảng cáo như “làm trắng nhanh”.

Thủy ngân là một chất độc cho cơ thể. Vì nó có thể hấp thụ qua da nên thực sự đây là một mối đe dọa với người tiêu dùng mỹ phẩm. Nếu so sánh giữa hydroquinone, các chất nhóm corticoid, và thủy ngân trong mỹ phẩm không an toàn, thì thủy ngân mới là thứ đáng sợ nhất. Bởi vì dù sao hydroquinone vẫn được sử dụng ở liều lượng thấp trong mỹ phẩm và dược phẩm ở một số nước (Việt Nam cấm hoàn toàn hydroquinone trong mỹ phẩm), và corticoid cũng là những thành phần dược. Thủy ngân thì không được phép sử dụng với bất cứ mục đích nào (mỹ phẩm hay dược phẩm), ở bất cứ quốc gia nào.

Các tổn thương do mỹ phẩm chứa thủy ngân gây ra

Nhiều người nghĩ rằng, những sản phẩm bôi ngoài da nếu có gây hại, thì cũng chỉ hại đến làn da mà thôi. Điều này không đúng, và đặc biệt không đúng với mỹ phẩm chứa thủy ngân. Bởi vì thủy ngân có thể thẩm thấu qua da. Đi vào máu và theo máu đi đến tất cả các cơ quan, các tế bào trong cơ thể.

Mỹ phẩm chứa thủy ngân gây sa sút trí tuệ

Các nhà khoa học đã từng nghiên cứu về biểu hiện của da và cơ thể người khi bị nhiễm độc thủy ngân như sau:

Đối với da và mắt: kích ứng/đỏ/ngứa và châm chích, sưng và bong tróc. Nếu tiếp xúc vào mắt thì giảm thị lực. Trong kem dưỡng không an toàn, nếu người ta cho vào những chất ức chế miễn dịch như corticoid thì khó có thể nhận biết vấn đề kích ứng/đỏ/ngứa và châm chích khi sử dụng.

Đối với cơ thể: nhược cơ, suy giảm khả năng nghe – nhìn – nói, sa sút trí tuệ và trí nhớ, căng thẳng tinh thần, các bệnh về thận, tê môi, tê gan bàn tay, bàn chân, gây dị tật thai nhi. Sử dụng lâu dài sẽ làm giảm tuổi thọ và tử vong.

Chuyên gia về mỹ phẩm cũng khuyến cáo:

Hiện không có cách nào nhận biết được thủy ngân bằng các giác quan thông thường (nhìn, sờ, ngửi và nếm). Bởi một sản phẩm kem dưỡng không an toàn trông hoàn toàn giống một sản phẩm kem dưỡng an toàn.

Nếu người tiêu dùng nghi ngờ sản phẩm mình đang sử dụng có chứa thủy ngân bằng cách đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm. Hoặc, để giảm nguy cơ mua phải mỹ phẩm chứa thủy ngân, người tiêu dùng cần tìm đến những nhãn hàng uy tín. Một số người muốn chắc ăn nhất đã mua 2 hộp kem, và mang 1 hộp mang đi kiểm tra trước khi sử dụng hộp còn lại. Tuy rằng đây là việc làm khá tốn kém, nhưng điều này làm giảm nguy cơ mắc những bệnh về da cũng như đến sức khỏe toàn diện, và thậm chí là tuổi thọ.

“Nếu người tiêu dùng chắc chắn mình đã sử dụng phải mỹ phẩm chứa thủy ngân, điều đầu tiên cần làm không phải là đi chữa cho làn da, mà là tìm đến bệnh viện để khám về nồng độ thủy ngân trong máu. Nếu hàm lượng thủy ngân trong máu cao hơn quy định, họ sẽ phải theo một phác đồ của bác sĩ để thải độc thủy ngân trong máu. Đây là một quy trình dài hạn và tốn kém. Nhưng một khi cơ thể đã thải được thủy ngân, da cũng sẽ hồi phục. Trường hợp ngược lại, chỉ chăm sóc da nhưng thủy ngân đã nhiễm vào máu, người tiêu dùng dù tốn kém đến mấy cũng không thể có một làn da đẹp được”. Đỗ Anh Thư.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top